Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Cái Tết cuối cùng của Chợ Cũ Sài Gòn

09:00 28/01/2017

Mai này, người Sài Gòn có thể chỉ còn biết đến cái tên Chợ Cũ qua tác phẩm của Vương Hồng Sển hay một vài tư liệu nào đó về Sài Gòn xưa.
Sau Tết Đinh Dậu, Chợ Cũ Tôn Thất Đạm sẽ bị giải toả trắng. Phiên chợ Tết cuối cùng chứa đựng nhiều lưu luyến, không chỉ bởi đồ ở Chợ Cũ xưa nay nổi tiếng ngon nhất xứ, mà còn vì chợ đi cùng đời sống thăng trầm của những người vào đất phương nam lập nghiệp từ trăm năm trước.
Chợ Cũ thời vang bóng
Cái tên Chợ Cũ đã được học giả Vương Hồng Sển nhắc tới ngay ở phần tựa của tác phẩm “Sài Gòn năm xưa” (năm 1960). Nhưng đoạn ký ức về Chợ Cũ của Vương Hồng Sển có từ những năm 1919, năm mà người cha đưa ông lên Sài Gòn học trường lớn.
Học giả Vương Hồng Sển viết: “Con bắt đầu nếm mùi cháo cá Chợ Cũ, hủ tíu Chợ Mới, xem hát thì Chùa Bà Chợ Lớn, nhai thịt bò kho thằng Lù, có năm cắc leo chuồng gà ngồi coi hát Tây, và cảnh không còn gặp nữa là: bữa bữa hai cha con thượng cao lâu ăn cơm xá xíu”.



Chợ Cũ năm 1968. Ảnh tư liệu.

Không chỉ có cháo cá, Chợ Cũ còn nổi tiếng bởi cà phê dĩa, cơm thố của những đầu bếp người Hoa di cư. Ngày nay, vẫn còn một tiệm cơm thố ở số 67 Tôn Thất Đạm, với những món ngon nức tiếng như hầm vĩ chưng hột vịt, sườn xào chua ngọt, gà tiềm thuốc bắc…
Ít ai biết, Chợ Cũ đã từng mang cái tên Bến Thành. Đó là một khu chợ sầm uất nằm ven kênh Thị Vải, nối sông Sài Gòn với khu vực buôn bán trù phú của các doanh nhân người Hoa, người Ấn Độ. Ngang hông bên phải chợ là đường Ngô Đức Kế ngày nay, còn hông bên trái là đường Hải Triều.
Ga trạm tramway ở Sài Gòn (trước cổng Chợ Cũ) đi Chợ Lớn. Đằng sau mái nhà là các gian hàng ở Chợ Cũ. Ảnh chụp lại từ cuốn Sài Gòn – Chợ Lớn ký ức đô thị và con người
Tờ Le Monde Illustré năm 1864 có tả về Chợ Cũ: “Các mặt hàng chính mà người ta tìm thấy ở chợ Sài Gòn bao gồm ngũ cốc, rau quả đủ các loại, gạo, đường, dứa, trà, hạt tiêu, dừa và đủ tất cả các loại trái cây của vùng nhiệt đới”.
Theo tác giả Nguyễn Đức Hiệp trong cuốn Sài Gòn – Chợ Lớn ký ức đô thị và con người, kênh Chợ Vải được lấp vào năm 1887. Lý do chính để lấp kênh là vì vấn đề vệ sinh và y tế.
Trước đó, việc lấp kênh Chợ Vải gặp phải sự chống đối từ các nhà buôn bán kinh doanh dọc hai bên bờ kênh, vốn sống nhờ hàng hoá di chuyển bằng ghe thuyền, nên mãi đến năm 1887 kênh mới thật sự được lấp. Đại lộ mới được đặt tên là Charner, sau này là phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Chợ Cũ nhìn về hướng bến Bạch Đằng. Ảnh chụp lại từ cuốn Sài Gòn – Chợ Lớn ký ức đô thị và con người.
Cùng với sự biến mất của kênh Chợ Vải, khu Chợ Cũ cũng bị phá đi để xây toà nhà ngân khố mới thay thế toà ngân khố cũ trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi). Chợ Mới (chợ Bến Thành ngày nay) được xây dựng cách đó không xa, dường như đã đặt một dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của Chợ Cũ.

Buồn vui, sướng khổ với Chợ Cũ

Nhưng Chợ Cũ vẫn sống dù không phải bằng vẻ rạng rỡ của cột gạch, lợp ngói thuở nào. Đó là những cây dù, những sạp hàng trông như cái chòi dựng trên vỉa hè đường Tôn Thất Đạm sau này. Và danh tiếng chợ của đồ ăn ngon, cá tôm rươi rói thì vẫn còn.
Một sáng cuối năm, bà Lương Ý (hơn 80 tuổi) cặm cụi tại gian hàng nhỏ ở Chợ Cũ. Sạp hàng này đã nuôi lớn nhiều thế hệ trong gia đình bà. Bà Lương Ý là một trong số những người gốc Hoa gắn bó đời mình với khu chợ vỉa hè lâu đời này.
Ngày và đêm trong suốt hơn 80 năm cuộc đời của bà cụ Lương Ý gắn bó với Chợ Cũ. Ảnh: Bùi Thư.
“Tôi sinh ra bên Trung Quốc nhưng gia đình di cư sang đây từ ngày rất nhỏ. Còn nhớ hồi bé, tôi đã chạy quanh chợ bán hành, ngò”, bà Lương Ý nhớ lại.
Giờ bà vẫn bán hành ngò, dừa nạo cùng vài món đồ nhỏ nhỏ. Tay bà đã run, mắt kém hơn, gói đồ cho khách đã ra chiều lóng ngóng nhưng vẫn bám lấy sạp mà bán buôn qua ngày. Ngày và đêm của bà đều diễn ra ở Chợ Cũ. Đêm bà trải chiếu ngủ trước cửa ngân hàng. “Nhưng giờ người ta cũng sắp đuổi rồi”, bà bảo.
Hỏi bà nếu Chợ Cũ đóng cửa, bà sẽ đi đâu, bà nói mình già rồi, có thể sẽ về quê ở dưới Bình Dương để con cháu nuôi. “Nhưng sẽ nhớ Chợ Cũ lắm”, bà cười nhưng giọng cứ nghẹn lại.
Tết Đinh Dậu sẽ là cái Tết cuối cùng của ngôi chợ nhiều thăng trầm này. Ảnh: Bùi Thư.
Kế bên quầy hàng của bà Lương Ý là quầy tạp hoá của chị Đặng Giàu. Má chị đã bán ở đây 60 năm, rồi đến chị cũng đã hơn 30 năm. Đời bà ngoại đã bán hàng ở Chợ Cũ.
Trong ký ức của chị Giàu, chợ có từ lâu lắm rồi. Có trước khi chị 10 tuổi, thường ra Chợ Cũ phụ mẹ buôn bán. Chị nhớ chợ ngày xưa sầm uất hơn, tấp nập người mua kẻ bán, từ hàng khô đến đồ mỹ phẩm.
Với nhiều người, chợ là cuộc sống, là nghề được truyền lại từ đời bà ngoại. Đó là nguồn sống của những gia đình 3-4 thế hệ. “Chợ nhỏ nên mọi người ai cũng biết nhau. Biết bao nhiêu kỷ niệm gắn liền với Chợ Cũ ở góc Tôn Thất Đạm này”, chị Đặng Giàu chia sẻ.
Bốn thế hệ trong gia đình buôn bán ở Chợ Cũ. Bà Ngọc nói mình đã già, chỉ lo những cô con gái không biết đi về đâu sau khi chợ giải toả. Ảnh: Bùi Thư.
Bà Vũ Thị Ngọc (73 tuổi) đã bán ở đây 40 năm, trước đó là mẹ và bà ngoại. Giờ đây, những cô con gái của bà Ngọc cũng bám lấy Chợ Cũ kiếm kế sinh nhai quanh sạp đậu hũ.
“Vui buồn, khổ sở cũng gắn với khu chợ này. Bà ngoại tôi bán ở đây từ lâu lắm rồi. Ngày xưa, Chợ Cũ sung túc lắm, nổi tiếng với đồ ăn ngon. Cá tôm từ dưới sống đưa lên tươi rói”, bà Ngọc hồi tưởng.
Sau Tết này, ngôi chợ trăm tuổi sẽ đóng lại cùng với những ký ức của một phần cư dân đô thị Sài Gòn. Có thể chỉ 5 năm nữa, người Sài Gòn chỉ còn biết đến cái tên Chợ Cũ qua tác phẩm của Vương Hồng Sển hay một vài tư liệu nào đó về Sài Gòn xưa.
Nhưng tiếng rao giữa lòng Sài Gòn cùng cái không khí kẻ mua người bán sầm uất, đậm màu xưa cổ ngay giữa trung tâm, xung quanh là những toà nhà chọc trời sẽ đi vào vùng ký ức của người xưa mỗi khi Tết đến...

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ


                   1041. Trường tiểu học Phan văn Trị số 8 Trần Hưng Đạo xưa và nay.


                   1042. Khu vực gần giao lộ Trần Hưng Đạo-Nguyễn Cư Trinh xưa và nay.



                   1043. Buiding Hialeah BOQ, Nguyễn Văn Thoại xưa và nay.


                   1044. Giao lộ Huỳnh Khương Ninh - Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn văn Giai xưa và nay.


                   1045. Ngả tư Công Lý (Nam Kỳ khởi nghĩa) - Lê Lợi  xưa và nay.


                   1046. Trước khu vực Rex xưa và nay.




                   1047.  Vị trí quán cà phê ở đường Nguyễn Trung Trực xưa và nay.


                   1048. Rạp Casino Saigon ngày xưa và giờ là khách sạn Liberty Central.


                   1049. Đường Phan Bội Châu bên hông chợ Bến Thành xưa và nay.


                   1050. Rạp Nguyễn Văn Hảo ngày xưa và giờ là Nhà hát Kịch Thành Phố.


Nguồn Tim Doling, Trung Ngo, Thong Nguyen

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

CHÉP SỬ TỪ NGÃ TƯ BẢY HIỀN
                                                                                         by thuongcangthuquan


Ngã tư Bảy Hiền là cửa ngõ phía tây-bắc của Sài Gòn từ thời xa xưa. Từ Sài Gòn phải đi qua ngã tư Bảy Hiền mới đi được Củ Chi, Hậu Nghĩa, Tây Ninh và xa hơn là thủ đô PhnomPenh của Kampuchia. Trước năm 1975 chưa có con đường Cộng Hòa mở cắt từ Lăng Cha Cả xuyên qua Phi trường Tân Sơn Nhứt để nối với đường Xuyên Á như bây giờ, thì quân hay dân muốn đi PhnomPenh tất tất phải đi qua ngã tư Bảy Hiền.
Với vị trí khá đặc biệt như cách khu Lăng Cha Cả (cửa chính của Phi trường Quân sự Tân Sơn Nhứt và cửa chính của Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội VNCH) chỉ chưa đầy hai cây số về hướng bắc, cách cổng trại Hoàng Hoa Thám của Bộ Tư lệnh Sư đoàn Nhảy dù chưa đầy một cây số về hướng tây, đi về trung tâm Sài Gòn hướng đông (chợ Bến Thành) và trung tâm Chợ Lớn ở hướng nam chưa đầy sáu cây số… thì về mặt chiến lược trong các năm chiến tranh 1954-1975, ngã tư Bảy Hiền mới thực sự là một vị trí đía lý trọng yếu mà các bên tham chiến đều đặc biệt quan tâm so với các cửa ngõ khác của Sài Gòn.
Từ ngã tư Bảy Hiền theo đường Võ Tánh (đường Hoàng văn Thụ bây giờ) để đi về Lăng Cha Cả, theo đường Nguyễn văn Thoại (đường Lý Thường Kiệt bây giờ) để đi về Chợ Lớn. Trục Tây Bắc – Đông Nam là đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám – Trường Chinh bây giờ) nối thẳng về trung tâm Sài Gòn sau khi đi qua Ông Tạ, Hòa Hưng, Công trường Dân Chủ.

Phân bố dân cư trong các năm 1954-1975 khá đặc biệt. Khu vực mặt tiền dọc theo đường Cách Mạng Tháng Tám – Trường Chinh bây giờ là người Bắc Công giáo di cư. Họ sống dài dài từ Tân Việt xuống Bảy Hiền, Ông Tạ, Hòa Hưng… lan qua khu Lăng Cha Cả (sau này nối Ông Tạ và Lăng Cha Cả bằng đường Phạm văn Hai).
Khu người miền Trung chạy loạn vào Sài Gòn cùng với người nam theo Phật giáo bắc tông hay nam tông thường nằm khu phía trong có các hẽm chằng chịt. Đây là các vùng thường có các cơ sở VC nằm vùng trước năm 1975. Khu dệt Bảy Hiền là khu căn cứ VC nội thành trước năm 1975.


Nghĩa trang của Pháp

Các cơ sở của Quân đội VNCH nhằm phục vụ chiến tranh tại khu vực ngã tư Bảy Hiền được bố trí khá chằng chịt trong thời gian 1954-1975. Dọc đường Võ Tánh từ Bảy Hiền lên Lăng Cha Cả có bót cảnh sát thường và trại cảnh sát dã chiến, có đài phát thanh quân đội Hàn Quốc (nay là trường Nguyễn Thượng Hiền). Có khu vực phòng thủ không quân Mã Tây (nay là trường Lý Tự Trọng và Triễn lãm Tân Bình), có cổng trại Phi Long (có lăng mộ của Cha Cả) và cổng chính Bộ Tổng Tham Mưu.


Bệnh viện Vì Dân

Từ Bảy Hiền lên Chợ Lớn theo đường Nguyễn Văn Thoại (Lý Thường Kiệt bây giờ) về phía tay phải là toàn bộ các cơ sở phục vụ hậu cần và giải trí cho quân đội Mỹ như hãng thầu quân đội RMK, hãng thầu Pacific, cơ sở sửa chữa container của hãng tàu biển SeaLand… Phía tay trái là trại lính yểm trợ cho Sư đoàn Nhảy dù (nay là bệnh viện Thống Nhất), khu trung tâm truyền tin quân sự (bây giờ là trụ sỡ Mobifone- Vinafone).
Các năm 1965-1972 khu vực đường Nguyễn văn Thoại (Lý Thường Kiệt) sát ngã tư Bảy Hiền là khu đèn đỏ của quân đội Mỹ với các snack-bars, khách sạn, vũ trường… đèn sáng nhạc xập xình suốt ngày đêm. Các cha, các thầy dạy học luôn dặn dò học sinh không được bén mảng qua khu vực ấy vì sợ bị “bắt cóc”.




Một địa điểm mà chúng tôi muốn nêu lên trong bài này là trường Đắc Lộ. Từ nơi này trong một khoảng đời dài tuổi ấu thơ còn đi học chúng tôi đã chứng kiến những sự kiện xảy ra với ngả tư Bảy Hiền. Trèo tường ngồi vắt vẽo để xem lính nhảy dù ra trận, xem biểu tình, xem đốt xe Mỹ, xem mật vụ rượt Việt Cộng nằm vùng… là chương trình liveshow thường xuyên của mấy ông học trò, mấy ông tu sinh Đắc Lộ học ít, cúp cua nhiều. Mấy chục năm sau ngồi uống cà phê tán dóc, những liveshow ấy được thêm muối, ớt, đường, bột ngọt… thành “ký ức những ngày thơ”. Những sử “da” cà phê tán láo như chúng tôi bây giờ đã sáu bảy mươi tuổi, có ông bị Alzheimer, nên sự liệu bị xáo trộn là điều chắc chắn.
Nhà thờ và tu hội Đắc Lộ được sáng lập năm 1957 do cha Giuse Vũ Khánh Tường (1925-1980) sau khi ông học từ Pháp trở về. Cha Tường có thời gian làm hiệu trưởng Trung học Nguyễn Bá Tòng trước khi tách ra riêng. Tu hội Đắc Lộ nằm tại số 31, ấp Tân Hiệp, xã Tân Sơn Nhì, Tân Bình, Gia Định (nay là 97 đường Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình).
Trước năm 1975, hoạt động chính của tu hội Đắc Lộ là mở trường dạy học có tên là Trường tư thục Đắc Lộ (nay là trường cấp hai Ngô Quyền).
Trường nằm trên con đường huyết mạch nối Sài Gòn với Củ Chi, Hậu Nghĩa, Tây Ninh và Kampuchia, lại kế bên căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt và đối diện bộ chỉ huy sư đoàn nhảy dù của quân đội VNCH trước năm 1975… nên không biết may mắn hay bất hạnh những người sáng lập Đắc Lộ và những tu sinh, học sinh của trường (các sử “da”) đã chứng kiến hàng loạt các sự kiện quan trọng của Sài Gòn trong suốt thời gian khói lửa 1954-1975.
Có lẽ ngẫu nhiên mà chứng kiến là vì những sự kiện quan trọng của Sài Gòn 1954-1975 luôn có sự tham gia của lính Sư đoàn Nhảy Dù đóng tại trại Hoàng Hoa Thám (đối diện nhà thờ Đắc Lộ). Đây là một đơn vị tổng trừ bị được trang bị đầy đủ nhất của quân đội VNCH, luôn có mặt trong những biến cố chính trị hay quân sự quan trọng của miền nam trước năm 1975.

Trại Hoàng Hoa Thám


Bảy Hiền cũng là nơi có đối kháng lương-giáo khá cao, một bên ủng hộ chế độ VNCH (người Công giáo di cư), một bên chống lại (người Trung nhập cư). Bảy Hiền chứng kiến những thương vong dữ dội trong chiến tranh trong các năm 1966, 1967, 1968, 1970, 1971, 1972, 1975… qua những xe chở quan tài xuất phát từ cổng trại lính Hoàng Hoa Thám.
Những ghi chú này không mang tính lịch sử, chính trị… gì hết. Viết ra để ghi nhớ lại gần hai mươi năm những đứa trẻ sử “da” như chúng tôi đã chứng kiến hay nghe các cha, các thầy, các bạn kể lại… theo kiểu nhớ đâu, kể đó.
(1)- Cuộc tảo thanh lính Bình Xuyên của Bảy Viễn khi ông Diệm mới về nước chấp chính được lính dù hậu thuẫn mạnh với các sĩ quan nhảy dù thời ấy như Nguyễn Khánh, Nguyễn Chánh Thi, Đỗ Cao Trí, Cao văn Viên.
(2)- Hai cuộc đảo chính ông Ngô Đình Diệm năm 1960 và 1963 đều có lính nhảy dù tham gia như một thành phần chủ chốt của quân đảo chính. Lính nhảy dù thường xuất phát từ cổng trại Hoàng Hoa Thám theo đường Lê văn Duyệt đi lên ngã tư Bảy Hiền, Hòa Hưng… vườn Tao Đàn và vào dinh Độc Lập.
(3)- Những biến động chống chính phủ của Phật giáo 1963-1967 thường xuất phát từ khu dệt Bảy Hiền (một thành phần ủng hộ phong trào Phật giáo miền Trung). Khu vực tụ tập biểu tình dữ dội thường là ngã tư Bảy Hiền kéo dài tới cây xăng đôi (ngã ba Xuân Hồng - Trường Chinh bây giờ). Đàn áp phong trào Phật giáo miền Trung tại Huế và Đà Nẵng năm 1966 cũng do lính Sư đoàn Dù không vận từ Sài Gòn ra thực hiện.
(4)- Cũng năm 1963-1967 những cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ chính phủ của người Công giáo di cư thường xuất phát từ khu vực nhà thờ Tân Việt, đi dần lên Bảy Hiền, Ông Tạ, Lăng Cha Cả… để đối kháng với phong trào ủng hộ Phật giáo miền Trung. Thường các người tham gia tập trung tại nhà thờ Tân Việt đi qua ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả… kéo đến trước Bộ Tổng Tham Mưu (Sân vận động quân khu 7 bây giờ). Đầu năm 1965 tướng Nguyễn Khánh do áp lực của các cuộc biểu dương lực lượng giống như vậy trước cổng Bộ Tổng Tham Mưu đã phải bỏ chức vụ ra đi.
(5)- Tổng công kích Mậu Thân đợt một và đợt hai vào Phi truờng Tân Sơn Nhứt và Bộ Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù. Đợt hai kéo dài cả tuần lễ rất ác liệt tại ngã tư Bảy Hiền, nhà thờ Đắc Lộ, chợ Bảy Hiền (đường Xuân Hồng bây giờ). VC tham gia trận đánh lớn này đa số kéo từ Long An lên. Tướng Lưu Kim Cương chỉ huy Phi trường Tân Sơn Nhứt bị bắn chết tại vòng rào khu Mã Tây (nay là nhà Triễn lãm Tân Bình).
Hai tác phẩm văn học nghệ thuật lớn phản ánh những trận đánh tại khu vực này năm Mậu Thân là “Dáng đứng Việt nam” của nhà thơ Lê Anh Xuân và “Cho một người năm xuống” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
(6)- Trận Hạ Lào (Lam Sơn 719). Lính Sư đoàn Nhảy Dù thiệt hại nặng nhất so với các binh chủng khác của quân đội VNCH.
(7)- Mùa hè đỏ lửa năm 1972 do tham chiến cả hai mặt trận An Lộc (Bình Long) và Quảng Trị, Sư đoàn Nhảy Dù coi như bị tiêu hao nặng. Số binh sĩ và hạ sĩ quan Sư đoàn Nhảy Dù sống tại khu Công giáo Bảy Hiền, Ông Tạ, Hòa Hưng… rất nhiều, nên mùa hè năm 1972 là một năm tang tóc với người Công giáo ở đây, gần như nhà nào cũng có tang.
(8)- Bảy Hiền chứng kiến trận đánh cuối cùng của cuộc chiến tranh 1954-1975 tại cổng Hoàng Hoa Thám vào lúc 18:00 giờ chiều ngày 30/04/1975. Ngày 30/04/1975 cũng là ngày Sư đoàn Nhảy Dù tan rã. Tướng Lê Quang Lưỡng (Tư lệnh Sư đoàn) chỉ mang được vài trăm binh sĩ dưới quyền ra Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ từ ngõ Vũng Tàu di tản sang Philippines rồi sau đó qua Mỹ.
Các sử “da” tán thêm rằng: Trong sự sụp đổ chóng vánh của quân đội và chế độ VNCH có trách nhiệm lớn lao của lính nhảy dù.
Tính tới đầu năm 1975 các tướng lĩnh nhảy dù nắm hết quyền lực của quân đội VNCH. Tổng tham mưu trưởng là Cao Văn Viên, tư lệnh các quân đoàn 1,2,3,4 là tướng Ngô Quang Trưởng (khu 1), tướng Phạm văn Phú (khu 2), tướng Dư Quốc Đống (khu 3), tướng Nguyễn Khoa Nam (khu 4). Sau khi thất thủ Phước Long đầu năm 1975, tướng Đống (nguyên Tư lệnh Sư đoàn Dù) mới chịu về hưu. Các ông Viên, Trưởng, Phú, Đống, Khoa Nam đều là sĩ quan cao cấp của Sư đoàn Nhảy Dù trước đây.
Lính nhảy dù thiện chiến, tinh nhuệ… nhưng chỉ tác chiến giỏi khi có đầy đủ vũ khí và hậu cần yểm trợ. Năm 1973 khi người Mỹ rút quân, các yểm trợ từ phi cơ, pháo binh, hậu cần cho lính nhảy dù giảm hẵn… cũng là lúc lực lượng này suy thoái nhanh chóng, hiệu quả tác chiến không còn cao. Tướng Lê Quang Lưỡng tư lệnh dù có lần than rằng: Quân tôi đã yếu và ít, xẻ ra khắp các nơi, chúng tôi đánh đấm làm sao được?
Khi về nắm các chức vụ chỉ huy cao cấp trong quân đội VNCH, cách tác chiến chính quy kiểu lính nhảy dù với đầy đủ vũ khí và hậu cần như trước không còn, các tướng lĩnh xuất thân từ Sư đoàn Nhảy Dù ra mệnh lệnh chỉ huy cho các đơn vị bộ binh khác không còn hiệu quả được nữa… việc thất bại chóng vánh là đương nhiên.
Với lại vào hai tháng cuối của chiến tranh 1954-1975 hỏa lực của phía Hà Nội là vượt trội, trong khi rất nhiều đơn vị quân đội VNCH không còn tiếp liệu chiến đấu, kể cả đạn nhỏ để tự vệ nữa.
Bốn mươi năm rồi… chuyện chỉ có vậy. Xin đừng ném đá. Hết cà phê rồi, về nấu cơm trưa kẻo vợ mắng cho!

                                             Ngày 12 tháng 03 năm 2015. thuongcangthuquan

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Khám phá ngôi nhà thơ ấu

của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu


Ngôi nhà thuở xưa của ông Nguyễn Văn Thiệu là căn nhà đẹp và nổi bật trong làng, đặc biệt nếu xét đến thời điểm xây dựng cách đây hơn 40 năm.


Làng Tri Thủy ở xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận ngày nay vẫn lưu giữ một ngôi nhà mang dấu ấn lịch sử đặc biệt, đó là ngôi nhà nơi Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã sinh ra và lớn lên.



Đây là một khu nhà khá bề thế, có diện tích sử dụng khoảng 200 m2, nằm trong khuôn viên đất rộng hơn 500 m2.


Theo những người trong làng, kiến trúc hiện tại của ngôi nhà được hoàn thành vào năm 1973, thời điểm ông Nguyễn Văn Thiệu đang là đương kim Tổng thống.

Căn nhà được xây dựng bằng gạch và bê tông chắc chắn, có lối kiến trúc hoàn toàn khác so với các ngôi nhà trong làng.

Nhà có các cánh cửa gỗ rộng, bốn phía đều có các hành lang rất thoáng mát.

Gian nhà chính có khung bằng gỗ chạm trổ cầu kỳ, với 3 bức hoành phi viết bằng chữ Hán treo ở trung tâm. Từ phải qua trái, các hoành phi có nội dung là “Phần tử sinh quang”, “Đức lưu quang” và “Thiện gia hữu khánh”.

Nhìn chung, đây là căn nhà đẹp và nổi bật so với các ngôi nhà trong làng, đặc biệt nếu xét đến thời điểm xây dựng cách đây hơn 40 năm.

Sau năm 1975, Tổng thống Thiệu và gia đình di cư sang Mỹ, căn nhà đã được chính quyền mới sung công và đến năm 1998 thì cấp cho bà Trương Thị Thìn, một người có công với cách mạng.

Sau khi bà Thìn mất cách đây ít năm, ngôi nhà nằm dưới sự quản lý của con trai bà là ông Lương Văn Tâm, người sống bằng nghề bán cây cảnh và làm hòn non bộ, trang trí sân vườn.

Trong tương lai, căn nhà có thể sẽ được chuyển giao cho công ty du lịch Sài Gòn Ninh Chữ làm khu di tích để phục vụ du lịch.
                                                                            Theo KIẾN THỨC

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Giai thoại về dân chơi tại cầu đi bộ đầu tiên


SĐộc đáo kiến trúc, cầu Ba Cẳng còn nổi tiếng bởi lời kể về những tay anh chị từng đình đám tại Chợ Lớn xưa.

Cầu Ba Cẳng xưa thuộc vùng Chợ Lớn, cây cầu này bắc qua ngã ba kênh rạch thuộc con kênh Hàng Bàng, ban đầu tên Khâm Sai nhưng sau trận hỏa hoạn vào đầu thế kỉ 20 nên được xây lại bằng xi măng với kết cấu 3 nhánh có bậc thang đi lên ở mỗi đầu nhánh cầu. Từ đó người dân tại đây quen gọi là cầu Ba Cẳng.

Con kênh chỉ rộng chừng vài chục mét thế nhưng sự có mặt của cây cầu cốt thép hoành tráng nhất thời bấy giờ giúp việc đi lại và thông thương của khu Chợ Lớn – Bình Tây trở nên thuận lợi.

Dưới nước thuyền ghe của các thương lái neo đậu, bên cầu tấp nập cảnh vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng quang gánh hoặc khuân vác.

Trước năm 1975, nếp sinh hoạt sầm uất của khu cầu Ba Cẳng khiến xuất hiện những giai thoại về các tay anh chị khét tiếng của vùng này.

Theo lời truyền miệng của những bậc cao niên, cụm từ “dân chơi cầu Ba Cẳng” xuất phát từ câu chuyện của nhóm giang hồ xuất thân ở khu vực này do Mã Ban cầm đầu. Ban là người gốc Hoa, mồ côi cha từ nhỏ, rất giỏi võ.

“Soái ca” Mã Ban thời ấy từng dẹp các băng nhóm và đứng ra bảo kê nhà hàng, quán ăn của người Hoa. Nhờ hành hiệp trượng nghĩa, có danh tiếng, Mã Ban được chủ xí nghiệp người Hoa gả con gái.

Không chỉ nổi danh nhờ nhân vật giang hồ trượng nghĩa, khu cầu Ba Cẳng xưa còn là điểm tụ tập của đủ các thành phần. Dân ăn chơi đưa nhau về đây cờ bạc, đá gà, ăn nhậu cho đến gái gú. Tất nhiên đó chỉ là giai thoại. Sau 1975, khu vực này chỉ còn người lao động nghèo chí thú buôn bán làm ăn.

Năm 1990, do quá cũ kỹ hỏng hóc, cây cầu bị phá bỏ, con kênh mà cây cầu bắc qua cũng được san lấp để trở thành khu dân cư và thương mại. Vết tích từ cây cầu cũ trên các cung đường Bãi Sậy, Phan Văn Khỏe gần chợ Bình Tây đã không còn nữa, thế nhưng với những người Chợ Lớn cao niên, cụm từ “dân chơi cầu Ba Cẳng” vẫn không hề phai mờ.
                                                                           Mr True/ngoisao.net

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

HẼM CÂY ĐIỆP ĐA KAO

Nếu nói về hẽm cây điệp thì sẽ có nhiều con hẽm mang tên cây điệp trong Sài Gòn; ở đây tôi chỉ nói về hẽm Cây Điệp Đa Kao mà thời niên thiếu của tôi đã gắn bó với nó. Thời gian đã qua 54 năm cái còn nhớ, cái quên lãng; còn nhớ được gì tôi sẽ kể lại đây.
Tại sao gọi là hẽm cây điệp? Không có cái gì gợi nhớ hơn cái tên đó sao? Thật vậy, hẽm này có một cây điệp lớn khoảng ba người ôm mới xuể nằm ở cuối hông nhà in của ông chủ Tây tại giao lộ với đường Tự Đức (Nguyễn Văn Thủ). Theo tôi đoán ở thời điểm đó nó có thể gần cả trăm tuổi. Có thể có người hỏi tôi cái gốc to như vậy phải hơn trăm tuổi chứ! Xin thưa nếu thời điểm đó (1962) lùi về tăm năm thì khoảng 1862 thì hợp lý vì cây điệp còn gọi là cây phượng là loại cây ngoại nhập từ Madagascar do người Pháp đưa vào Việt Nam sau khi chiếm Nam kỳ năm 1867. Khi tôi đến ở tại số 153 Tự Đức thì tại chổ sau hông nhà in chỉ còn cái gốc thôi, không biết người ta đã cưa nó vào năm nào.
Gọi là con hẽm cũng tội cho nó vì chiều rộng của nó vẫn rộng hơn nhiều con hẽm ở Sài Gòn mà phải gọi là đường Cây Điệp đúng hơn nhưng thôi người Sài Gòn biết bao nhiêu thế hệ đã gọi nó như vậy. Tiện đây nói về hẽm ở Sài Gòn, khi xưa đa số những con hẽm đều rất rộng nhưng lâu ngày chầy tháng người dân ở hai bên lấn dần cuối cùng con hẽm trở thành nhỏ bé.
         Thật sự hẽm Cây Điệp từng là một con đường nhỏ và có tên hẳn hòi vào thời Pháp, đó là tên rue du marché. Về sau khi Việt Nam dành được chủ quyền thì cái tên đó mất hẳn và cũng không thấy chính quyền Việt Nam đặt một tên mới thay vào tên cũ như bao con đường khác.



Hẽm Cây Điệp độ dài chỉ có vài trăm thước bắt đầu từ giao lộ với đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) đối diện với tòa nhà hàng không Việt Nam thời đó. Đầu hẽm có một biệt thự lớn bên trái và bên phải là dãy nhà liên kế trong đó có nhà bác sĩ Tài ở đằng ngả tư Đinh Tiên Hoàng - Phan Đình Phùng. Đi sâu vào hẽm ta gặp một ngả ba, bên trong ngả ba này là những dãy nhà ở; nhìn sang bên trái ta thấy một lò bánh mì cũ kỹ lò đốt bằng cũi kế bên có một villa nằm dưới giàn khế lủng lẳng chùm trái màu vàng. Tôi không còn nhờ chủ nhân chính của căn villa là ai nhưng một điều chắc chắn là sau năm 1975 là nơi ở đầu tiên của nhạc sĩ Thanh Tùng. Chính nơi đây nhạc sĩ cho ra đời bài “ hoa tìm ngoài sân” nổi tiếng một thời. Nhạc sĩ Thanh Tùng và tôi có một kỷ niệm về bài này trong chuyến về làm việc của nhạc sĩ năm 1987 tại Tiền Giang. Khi anh Thanh Tùng mới vừa viết xong bản nhạc và có đưa tôi xem và góp ý (lúc đó bản nhạc có tên là ‘hoa khế ngoài sân”); tôi nhận thấy chữ hoa khế không được hay lắm và hoa khế có màu phớt tím liền đề nghị anh Thanh Tùng sửa lại là hoa tím. Vì hoa khế thứ nhất là nghe thô và chỉ có mình anh Thanh Tùng mới cảm nhận thôi cho nên phải điển hình hóa thành hoa tím để người nghe có cảm nhận chung về một loài hoa nào đó cùng màu tím.


Đi vài chục thước nữa thì bên tay phải dưới giàn bông giấy là nhà thằng bạn Tây lai François chuyên môn ăn hiếp tụi tôi vì tướng nó to con, đối diện là một tòa nhà ba tầng mở một lớp dạy Pháp văn của một bà dân Pháp lai. Kế bên tòa nhà này là biệt thự của một ông luật sư và bên kia là nhà in của một ông chủ Tây tướng tá mập mạp chuyên đi một chiếc xe mui trần; nhà in của ông in đủ loại giấy tờ đặc biệt là tờ báo Journal d’ Extrême Orient và cuốn La semaine à Saigon, một cuốn vừa quảng cáo vừa thông báo các giao dịch các hảng của Pháp tại Sài Gòn. Đó là chúng ta đang ở giao lộ với đường Tự Đức (Nguyễn Văn Thủ).


Qua khỏi giao lộ là chúng ta tới phía sau trường nữ tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Tại góc này hồi xưa là một chổ đổ rác, mùa mưa tụi tôi thường ra đó lục loại trong mấy kẻ tường bắt dế có lúc tưởng chừng bị rắn hổ đất cắn và cũng tại chổ này bên trong của trường là một bãi cỏ hoang mọc um tùm và là nơi các học sinh trường nam gần đó giấu tập sách của mình để “cúp cua”. Phía bên kia có hai nhà bán nước giải khát cho học sinh trong đó có đậu đỏ bánh lọt. Hồi đó nơi đây là khu tập trung những người bán hàng rong cho học sinh hai trường Đinh Tiên Hoàng và Tự Đức. Tôi thường la cà ra đây vì mê những tập truyện của người bán sách cũ và món đu đủ bào của mấy ông Tàu. Còn phía bên trường ở phía sau có một cổng lớn bằng cây nơi đây tập trung các dãy nhà cũ kỹ, ám khói của lao công trường dài tới giao lộ với đường Nguyễn Thành Ý.
Tại giao lộ này chúng ta thấy những căn villa yên ắn và đã có một thời bổng rộn lên làm nhiều người tới xem vì nơi đó đồn là hầm acid thủ tiêu xác ngưới của bác sĩ Trần Kim Tuyến nằm góc cuối đường Nguyễn Thành Ý. Đi vài chục thước nữa là tới giao lộ với đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ); ở khoảng giữa đoạn này hồi xưa có một bà già điên bị tụi tôi thường xuyên chọc phá.
Như vậy hẽm Cây Điệp chấm dứt ở đoạn này, phía bên kia là đường Phan Ngữ. Những năm tôi sống ở nơi này là những năm tôi chứng kiến những biến động của Sài Gòn trước khi rời nơi này về đường Yên Đổ.

Tội nghiệp con hẽm không có một tấm hình nào về nó cả.

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...