Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

SÁCH VÀ BÁN NGUYỆT SAN TUỔI HOA


Ai đã qua một thời học trò ít nhiều cũng đã biết đến các loại sách Tuổi hoa và bán nguyệt san của nó. Tên tuổi của Tuổi hoa gắn liền với nhiều nhân vật làm ra nó nhưng nổi bật là Linh mục Chân Tín, chủ nhiệm tờ báo, họa sĩ Vi Vi thiết kế và trang trí tờ báo, vẽ hình bìa các loạt sách Tuổi Hoa. Nhân đây tôi xin giời thiệu với các bạn LQĐ những đường link dẫn đến các trang nói về Tuổi hoa và các sách báo của nó, để chúng ta ôn lại một thời học trò đầy mộng mơ.



Books | Tủ Sách Tuổi Hoa

tuoihoa.hatnang.com/books


Tủ Sách Tuổi Hoa: Giới Thiệu

tuoihoa.hatnang.com/

https://vi-vn.facebook.com/tstuoihoa

vietmessenger.com/books/?nhom=tuoihoa&author=all


Tủ sách Tuổi Hoa hồi sinh | Phay Van

123hoang.wordpress.com › Tuổi Hoa

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Trò chơi trẻ con ngày xưa
                  Các bạn cũng như tôi đều có một khoãng đời niên thiếu, một cái thời khi kỹ thuật chưa có những bước tiến vượt bậc như hiện nay chen vào cuộc sống của chúng ta để chúng ta được sống trong những mộng mơ, trong những hào hứng qua các sinh hoạt vui chơi tập thể. Cái không khi ngày ấy rất khoáng đạt, bọn con nít tụi mình tha hồ vùng vẫy, chạy nhảy trong sân trường hay các xóm nơi tụi mình cư ngụ chứ không như bây giờ đám con nít đã tự đánh mất tuổi thơ bên chiếc điện thoại di động, những cái epad hay trong các tiệm net. Con nít ngày nay không còn tháo vát, không dám "dãi nắng dầm sương" như các cha ông ngày trước. Con nít ngày nay bận chúi mũi vào việc học, học ở trường rồi lại học thêm đủ thứ. Ở trong xóm thì không có ai vui chơi hết nhà nào biết nhà đó cộng thêm cha mẹ chúng lo ngại chúng nhiễm những thói hư tật xấu khi giao du với bạn bè cùng trang lứa. Đó là một thực tế của xã hội Việt nam hiện nay.
                 Tôi còn nhớ ngày xưa khi tôi còn ở đường Tự Đức Đa Kao hay ở đường Yên Đỗ, bọn chúng tôi cứ mỗi giờ tan học đều tụ tập nhau chơi trò chơi nào là năm mười, tạc lon, dích hình,nhảy cao; bắn bi,... đám con gái thì chơi nhảy dây, đánh banh đũa, ăn ô quan, nhảy cò cò,....Đến khi vào trường học tôi cùng các bạn cũng chơi lại mấy trỏ này. Đó là một quãng đời đáng nhớ của chúng ta chỉ còn đọng lại trong ký ức. Nhân đây tôi xin trích một phần bài đã d0a8ng trên mạng nói về các trò chơi xưa. Bài này tôi chỉ lấy một đoạn và bỏ hết số hình minh họa vì quá nhiều. Nếu ai muốn đọc đầy đủ xin vào trang blog của bạn Nguyễn Đạt để xem.
Đồng dao và trò chơi trẻ con

Chúng ta đang ở đầu thế kỷ XXI. Mai sau, dù có bao giờ, phần sưu tầm biên khảo nhỏ nhoi này mong còn được đôi khi lần giở trước đèn, để may ra có người mở trang sách cũ tìm hiểu về đất lề quê thói, thấy rõ ràng kho tàng văn học dân gian đặt nặng giáo dục gia đình trên vai người mẹ. Những lời ru ca dao ạ ơi ời hà hơi văn hóa mẹ vào tâm hồn trẻ từ lúc mở mắt chào đời cho đến khi chập chững lững thững những trò chơi đi kèm đồng dao, để từ đó vững bước vào xã hội. Hát mà chơi. Hát mà học. Hát chơi mà học thật. Học làm NGƯỜI.
Đồng dao, đồng diêu: câu hát chơi, con nít hay hát. Đó là định nghĩa đơn giản nhất của Huình Tịnh Paulus Của, trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, cuốn tự điển đầu tiên của Việt Nam, xuất bản năm 1895 tại Sàigòn.
36 năm sau, Ban Văn học Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo Việt Nam Tự Điển, Mặc Lâm xuất bản tại Hà Nội năm1931 và Nhà In Imprimarie Trung Bắc Tân Văn phát hành, cũng định nghĩa ngắn gọn. Đồng dao: câu hát trẻ con. Hơn thế kỷ sau, tức là cả 103 năm sau, Đại Từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin phát hànhnăm 1998, định nghĩa đồng dao: lời hát truyền miệng của trẻ con, nhưng không đưa ra một câu nào.
Đồng dao được truyền từ đời này tiếp đời nọ, vùng này qua vùng kia, có khi thay đổi, có khi sai lạc, có khi thất truyền, và bị quên lãng. Tác giả hẩu hết vô danh, hay nói đúng hơn, chính dân gian là tác giả.
Dạy con từ thuở lên ba, nhưng từ lúc lọt lòng mẹ qua ba tháng biết lẩy bẩy tháng biết bò cho đến khi lổm ngổm tập ngồi bi bô tập nói lựng chựng bước đi, với Việt Nam ta, tiếp nối lời mẹ ru, đồng dao giữ phần quan trọng trong giáo dục gia đình, chuẩn bị cho trẻ đến trường với khoa sư phạm áp dụng phương pháp giúp trẻ con vừa vui chơi giải trí vừa học hỏi, phát triển các khả năng cơ thể và mở mang trí tuệ. Hát mà chơi. Hát mà học. Hát chơi mà học thật.
Thuở ban đầu, đồng dao chỉ được truyền miệng, nhưng nhờ ngắn gọn đơn giản ba, bốn hoặc năm chữ, có khi ngô nghê, nhưng vần điệu tiết tấu nhịp nhàng nên rất dễ hiểu dễ nhớ. Về sau, rất nhiều bài đồng dao được đặt nhạc nên được phổ biến rộng rãi. Trong hàng trăm bài đồng dao truyền miệng và hàng ngàn bản nhạc, chúng tôi chỉ nêu một số bài đồng dao truyền miệng từ Bắc qua Trung vào Nam, còn nhớ hoặc tìm tòi sưu tầm được, và đồng dao được phổ nhạc, cùng một số nhạc phụ lục. Chuyện bổ túc theo đà tiếp nối rất dễ dàng thuận tiện.


Trò chơi trẻ con ngày xưa
( Sưu tầm và biên soạn)
Các nhà giáo dục băn khoăn, loay hoay đi tìm một phương pháp giáo dục trẻ em thật sự có hiệu quả trong thời đại mà thông tin bùng nổ và kỹ thuật điện tử xâm nhập đến từng mái trường, từng gia đình, đến từng trẻ em.

Làm sao có thể yên tâm với con em mình khi chúng hàng ngày vòi vĩnh tiền bạc của cha mẹ để xúm xít bên những trò chơi điện tử, những karaoke, hay vào những trang web không hợp với lứa tuổi? Cũng như trước đây, ta đã từng chứng kiến sự tràn ngập của khối vuông rubic lăn tròn trên tay chẳng những ở trẻ em mà cả người lớn nữa.

Ở đây, ta không nói chuyện được - mất trong những trò chơi đó. Nhưng có lẽ hầu như chúng ta đã lãng quên một phương pháp giáo dục đầy hiệu quả mà chúng ta có sẵn: đó là kho tàng đồng dao và trò chơi trẻ em. Riêng về lĩnh vực giáo dục, kho tàng này cung cấp nội dung và phương pháp giáo dục “không thầy, không sách” tương đối rõ ràng và đầy đủ hơn cả.
Đồng dao bao gồm nhiều loại: Các bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em... Trò chơi cũng lắm, như trò chơi vận động (dung dăng dung dẻ, chơi khăng, đánh đáo), trò chơi học tập (đánh chuyền, đánh ô), trò chơi mô phỏng (đi chợ, làm nhà), trò chơi sáng tạo (xếp thuyền, đánh trận, chơi diều). Cả kho tàng phong phú ấy là phương tiện giáo dục trí, đức, thể, mỹ cho các em. Qua đó phát triển tâm lý, thể lực, trí tuệ trước mắt và nhân cách của các em trong tương lai.

                                                                        Trẻ con ngày xưa

Thật vậy, ông bà ta nhận thức rằng để giáo dục trẻ em phải thông qua con đường tình cảm là hiệu quả nhất. Đầu tiên là tình mẹ con tràn trề thấm thía qua những bài hát ru “cục ta cục tác, con diều hâu hung ác, gà con ở đâu, về mau mẹ ủ, mẹ con đông đủ, chẳng sợ diều hâu”. Rồi đến tình cảm với những vật gần gũi: con gà, con chó, cái chổi, con dao... Trong lời hát, truyền cho các em sự cảm thông nồng ấm. Dần dần, rộng ra một chút, cho các em tiếp xúc với thiên nhiên rộng lớn bên ngoài. Rồi không ai không buồn cười, thú vị khi em bé đút hạt xôi vào miệng dế mèn hay kết những cánh hoa thành áo cho cào cào: “Cào cào giã gạo tao xem, tao may áo đỏ, áo đen cho mày”. Từ tình yêu với con sâu, cái kiến, khi các em lớn lên vài tuổi, tiếp xúc, tham gia công việc đồng áng với người lớn, các em yêu cả những con chim, con cò, con trâu, con nghé... quanh mình. Các bài đồng dao Gọi mẹ, Gọi nghé của trẻ mục đồng; đồng dao về chim, về lá, về hoa quả... đều toát lên một tình cảm yêu thiên nhiên, yêu lao động đậm đà bát ngát.

                                                                                  Nhảy dây

Đồng dao cung cấp cho các em kiến thức, không là kiến thức hệ thống như tư duy người lớn mà là trình bày liệt kê, dừng lại ở những nét bề ngoài dễ nhớ, dễ phân biệt, kích động trí tò mò ở trẻ em. Đó là công dụng đồ vật: “Con trâu cày xiên, cái liềm gặt lúa”, phân biệt giống vật “Chàng chàng lót ổ bụi tre, chèo bẻo lót ổ mái đình”. Hay dạy cho các em chơi chữ, tập quan sát: “No lòng phỉ dạ là con cá cơm, không ướp mà thơm là con cá ngát, liệng bay thấm thoát là con cá chim”. Phải chăng đây là cách dạy từ ngữ vui nhộn phù hợp với các em, làm các em nhớ đến tên loài vật xung quanh mình?
                                                                              Nhảy cao
Chẳng những cung cấp kiến thức tự nhiên, đồng dao còn là một kho kiến thức xã hội, về hội hè, đình đám, trong họ ngoài làng, về đồ ăn, thức uống: “Những nồi cơm nếp, những tệp bánh chưng, mứt bí, mứt gừng, mứt chanh, mứt khế”. Các em được chuẩn bị từ tuổi hoa niên những kiến thức về nghề nghiệp trong xã hội sau này: “Ông thầy có sách, thợ ngạnh có dao, thợ rèn có búa” hay: “Ai cày ruộng nuôi trâu, ai trồng dâu nuôi tằm, ai hay nằm nhịn đói”. Đồng dao cũng dạy các em phê phán thói hư tật xấu, sự lười nhác: “Cho đi học chữ- nhiều chữ ai vay, cho đi học nghề- rằng nghề ở tớ, cho đi làm thợ- nói: nghề ấy buồn”... Thậm chí, các em bé gái được đồng dao trang bị cho kiến thức nữ công gia chánh đặc biệt: “Bắt được cua bấy đem về nấu canh, băm tỏi băm hành, xương sông lá lốt”, hay “canh ốc thì ngọt, canh bứa thì chua”.

                                                                             Ăn ô quan
Đồng dao được các em hát trong lúc tổ chức trò chơi. Nhiều khi lời đồng dao được hát, tổ chức trò chơi dường như không có đề tài nào tập trung, gặp đâu nói đó, chỉ cốt cho vần vè, còn ý nghĩ chung thì rời rạc, câu nọ xọ câu kia, chuyện này sang chuyện khác. Trẻ em vẫn thích thú vì nó phù hợp với trí lực của các em, không thể đòi hỏi các em tư duy như người lớn được. Đồng dao và trò chơi trẻ em được tiếp thu bằng ấn tượng về ngoại vật chứ không phải bằng lý luận.

                                                                   Đánh bông vụ
Có thể thấy việc học văn hóa cơ bản qua đồng dao và trò chơi không dạy chữ, thế mà các em vẫn đếm, vẫn tính nhẩm, cộng trừ từ “chuyền một” đến “chuyền chuyền mười”, từ “năm lên sáu” hay “bốn lên bảy” trong trò chơi chuyền chuyền... Trò chơi “đánh ô ăn quan” dạy trẻ em tính nhẩm về chia, trừ, quan sát chiều ngược, chiều xuôi để động não một cách tự lực chỉ có bạn mà không có thầy. Thật là một cách giáo dục có ý nghĩa.

                                                                             Nhảy cò cò

Trò chơi còn giáo dục thể lực ở trẻ. “Đánh chuyền” với động tác “nâng lấy một, chộp lấy đôi, sang tay qua, ra tay chống” chẳng phải có tác dụng luyện gân, các cơ ở cổ tay, cánh tay, khuỷu tay cho bé gái sao? Trò “đánh khăng” ít nhiều là môn thể thao là sự vận động toàn diện kết thúc với chạy, nhảy, đuổi bắt, cõng nhau. Còn bao trò chơi khác với cách thức luyện tập khác nữa. Quan sát kỹ ta thường thấy các trò chơi thường lặp đi lặp lại. Người lớn xem hay chơi có thể chán, nhưng với trẻ em đó là một việc thú vị. Cùng cách chơi “Đuổi bắt” nhưng được các em biến hóa xê dịch trong nhiều trò chơi... Qua trò chơi, các em được dịp rèn luyện mắt, chân tay, luyện thính giác, khướu giác...


                                                                            Đánh đũa

Và sau cùng đồng dao và trò chơi như những chất keo nối kết những tình bạn trong sáng, ngây thơ giữa lũ trẻ với nhau mà ta khó tìm thấy trong những trò chơi hiện đại ngày nay.


                                                                                 Nhảy dây


                                                                            Tắm sông

                                                                         
                                                                         Đánh đáo

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Những đam mê thuở học trò
Thú đọc truyện tranh
Phần nói thêm


Đây là phần bổ túc cho bài " Những đam mê thuở học trò, Thú đọc truyện tranh" mà tôi đã viết vì nhân khi tìm kiếm trên mạng tôi tình cờ xem những clip giới thiệu về lịch sử ra đời các bộ truyện tranh của Pháp và Bỉ. Tôi đăng lên cho các bạn xem để tìm hiểu rõ về sữ ra đời của chúng. Những truyện tranh của Pháp và Bỉ cho đến bây giờ vẫn được đánh giá là những truyện tranh mang tính nhân bản nhất thế giới; nó khác xa những bộ truyện tranh của Mỹ đề cao tính bạo lực cũng như các bộ truyện tranh của Nhật phát hành rộng rãi hiện nay mà tính giáo dục con người không có thay thế vào đó là không khí bạo lực là chính dù che dậy dưới chiêu bài là cứu nguy nhân loại. Những truyện tranh loại này cùng với những phim bạo lực hiện nay của phương tây và Trung quốc, Đài Loan và Hồng Kông đã tác động không ít tới đời sống cùa thanh thiếu niên Việt Nam. Hiện nay chúng lần giở những tờ báo phát hành tại Việt Nam hàng ngày đều thấy tràn ngập những tin hình sự, sự suy đồi đạo đức. loạn luân lý xảy ra như cơm bữa.  

Tôi nhớ hồi tôi học từ lớp onzieme đến huitieme ở các trường Lamatine, Marie Curie và Jean Jacques Russeau, tôi có biệt tài là :dụ khị" mấy tụi con tây và con đám nhà giàu cho sách hình. Tôi sở hữu nhiều loại sách hình. Đến năm tôi học lớp 11 trở đi thú đọc sách hình dần dần phai trong tôi, một phần vì kinh tế, một phần phải dồn vào việc học những năm cuối cùng và một phần vì tình hình xã hội lúc bấy giờ. Sau 30/4, tôi có xem lại những truyện tranh này của một anh bạn từng làm cảnh sát ở Tổng Nha bị đi học tập cải tạo hết 18 năm. Về sau nha xuât bản Trẻ của sài Gòn có xuất bản trở lại bộ truyện của Lucky Luke, Asterix et Obelix, Tintin et Milou,...Những bộ truyện này được in rất đẹp theo nguyên mẫu của Pháp Và Bỉ, tôi có mua về nhưng thú đọc truyện khi xưa thì không còn nữa. Những bộ truyện đó tôi chỉ để dành làm kỷ niệm mà thôi. Cái thời đó đã qua rồi mãi mãi không còn trở lại được nữa. Sau này những bộ truyện đó được dựng thành những phim truyện và phim hoạt họa. Những bộ phim này các bạn có thể tải chúng từ trên mạng.


                                           Giới thiệu về bộ truyện Buck Danny


                                    Giới thiệu về bộ truyện Spirou et Franstasio

                                         

                                     Giới thiệu về bộ truyện Asterix et Obelix


                                             

                                     Giới thiệu về bộ truyện Tintin et Milou

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

PHIM ẢNH VÀ RẠP HÁT MỘT THỜI

            Đã có một thời phim ảnh trong tuổi học trò của chúng ta. Chúng ta đã trải qua một giai đoạn đỉnh cao của điện ảnh châu Âu và Mỹ mà ngày nay mặc dù có rất nhiều tiến bộ trong kỹ thuật dựng phim nhưng chúng ta vẫn chưa thấy một tác phẩm nào xứng tầm hết. Hồi xưa vào những thập niên 1960, những phim nổi tiếng như Al Capone, Nuremberg, Le jour le plus long, Kwai rriver, Ben Hur, Cléopaste, samson et Dalida,...nổi đình đám ở các rạp chiếu phim sau đó qua thập niên sau có các phim La bataille Ardenne, Tora tora, Love story, Roméo et Julliette, và còn rất nhiều phim nổi tiếng nữa: danh sách rất dài. 




Phim thuở đó do hai công ty nhập cảng phim nổi tiếng là Mỹ Vân phim và Cosunam với biểu tượng cái lư trầm hương là chính. Còn các rạp thì có thứ hạng như hạng A có các rạp Rex, Eden, Đại Nam, Majestique ( đã bị dẹp sau những năm 66, 67 vị trí sau lưng khách sạn cùng tên ở đường Tự Do), Hạng B có các rạp như Casino Sài Gòn, Hưng Đạo ( Rạp này có phần hùn của ba anh Vĩnh Xa Kimma chủ hotel ICI đường Trần Hưng Đạo), Lux ( tôi có quen ông chủ rạp này sau 30/4, ông tên Đạt đã mất khoảng năm 1987 thì phải), Victory, Capitol, v.v... các rạp hạng C là các rạp nằm rải rác ở các quận Sài Gòn và Gia Định riêng rạp Vĩnh Lợi nằm ngay đường Lê Lợi cạnh bệnh viện Sài Gòn lại là rạp hạng C nhưng chuyên chiếu phim cũ có giá trị. Nói đến các rạp hạng C là những rạp tôi thường đi coi nhất vì một phần nó gần nhà như rạp Kinh Thành, Moderne ở Tân Định, Văn Cầm ở Phú Nhuận, rạp Văn Hoa và Casino Đa Kao. Rạp Rex thì tôi thường xuyên đi coi vì tôi có ông dượng làm quản lý rạp nên trong người tôi có cả xấp vé mời. Hồi đó vé mang vé mời tới phòng vé đổi 2 vé vào xem, sang những năm 1973 thì có phụ thu tiền thuế TVA. Tôi nhớ hồi đó tôi thường rủ anh Phan Tấn Minh. Hồ Tuấn Ngọc cùng lớp đi xem phim ở rạp Rex.Rạp Hưng Đạo tôi cũng thường coi chùa vì có anh Kimma dẫn vào coi. Rạp Văn Cầm nổi tiếng chuột cống với rệp còn rạp Moderne thì khai nước đái. Ở Sài Gòn còn một rạp mà thời chúng ta còn đi học nhưng không còn nữa là rạp Assam ở đường Đinh Tiên Hoàng. Mỗi rạp mỗi vẻ như rạp rex và Eden chuyên chiếu phim Pháp và Anh Mỹ còn các rạp Đại Nam, Hưng Đạo chuyên chiếu phim Hồng Kông, Đài Loan chủ yếu là phim của hảng Gia Hòa và Shjaw Brothers. Sau những năm 1970 phong trào phim Việt nổi lên mạnh các rạp thi nhau chiếu. Phim Việt thì về kỹ thuật ghép tiếng lại quá dở, miệng nhép một nơi tiếng một nẽo. Trình tự chiếu phim ở các rạp thời đó như sau: mở đầu là slide cấm hút thuốc lá với hình cây kéo cắt ngang điếu thuốc rồi đến các slide quảng cáo tôi nhớ nhiều nhất là các nhà may, kem Thorakao, dầu cù là Mac Phsu, v.v...xong đến phim thời sự quốc nội rồi đến phần giới thiệu phim sắp chiếu bây giờ gọi là Trailer; có rạp chiếu thêm phim hoạt họa của Walt Disney và cuối cùng là vào phim



             Sau 30/4 các rạp bị chính quyền tịch thu chỉ chiếu toàn phim của Việt Nam và khối XHCN. Thời đó những phim của Ba Lan và Tiệp Khắc rất đông khách vì người dân cảm thấy ở những phim này có hơi hướm phim của Pháp và Mỹ không có chính trị xen vào nhưng chủ yếu người ta vẫn thích phim tình cảm và thần thoại. Sau những năm 1986 các rạp làm vào tình hình chung là không còn khách tới xem nữa vì thời điểm này video và đầu chiếu bắt đầu tràn vào Việt Nam. Các điểm chiếu video của tư nhân và chính quyền đã lấy hết khách mà nhất lại là chiếu phim của "tư bản" rất hấp dẫn. Từ năm 2000 trở đi có một số tư nhân xây dựng những rạp chiếu phim mới và gần đây là chiếu phim 3D nhưng tình hình xem phim của công chúng cũng không còn được như xưa nữa.
                 Ngày nay nhờ mạng Internet, tôi đã sở hữu những bộ phim kinh điển của Pháp và Mỹ thuở trước và một số bộ phim sau năm 1975. Những phim tôi có đều là phim tiếu chuẩn HD và tôi chứ trong ổ cứng rời tất cả là tên 200Gb. Đây cũng là bộ sưu tập tôi thích nhất cùng với bộ sưu tập máy bay mà tôi phục hồi sau này ( bộ sưu tập này hồi còn học sinh tôi đã bán hết cho một bạn lớp 10 giờ đã quên tên).
                  Không biết các bạn có cùng ý nghĩ với tôi không, thời của chúng ta ngoài việc học ra thì âm nhạc và phim ảnh cũng để lại cho chúng ta nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Rất tiếc ngày nay thú sắp hàng xem phim không còn nữa mà có lẽ cũng như cả thế giới.
                 

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

VIDEO CLIP: MỘT THÓANG KÝ ỨC

Bạn Hoàng lqd có đăng trên facebook một video clip, tôi mạn phép đưa lên đây. Video clip giúp lại cho tôi hình dung hình ảnh các bạn thuở còn nhỏ và hiện tại, chứ thực tình giờ đây nếu tình cờ tôi có gặp các ở đâu cũng không nhận ra vì đã không có sự liên lạc gì 40 năm qua. Phải nói mọi sự liên lạc các bạn học Lê Quý Đôn có sức tồn tại lâu dài hơn các trường khác chỉ thua trang web liên lạc của cựu học sinh Chasseloup Laubat và Jean Jacques Rousseau mà thôi. Tôi cũng rất buồn vì có những bạn LQĐ đã ra đi vĩnh viễn bỏ lại chúng ta và cũng chúc cho các bạn LQĐ hãy cố gắng giữ mọi sự liên lạc này được lâu dài.




  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...