Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Từ Trường Học đến Trường Đời (Tiếp theo)

đến trường Đời 
Sau khi từ giã mái trường Lê Quí Đôn, tôi bước vào trường đời với nhiều thất bại hơn thành công! Có những thứ mà thầy cô dạy cho tôi trong trường đã trở thành ...vô ích, thậm chí nếu áp dụng đúng thì chỉ có nước ...ăn mày! Ngược lại, có những thứ rất cần thiết trong trường đời thì tôi chẳng thấy thầy cô nào chịu chỉ dạy cho mình. Trong trường đời, tôi có thể học đủ mọi thứ, trong mọi lúc, ở mọi nơi, với mọi người, cho đến cuối đời vẫn phải học những thực tế để chiến đấu mà sinh tồn. Có lẽ không chỉ có tôi nhận biết được điều đó nên tôi xin miễn ví dụ chứng minh dài dòng. Thất bại đầu tiên là khi khai lý lịch để xin thi vào đại học, tôi đã thành thật khai báo gia đình mình có tới 10 người (cha, chú, cậu ruột) là “Ngụy quân, Ngụy quyền” đang “học tập cải tạo,” chẳng có một ai “tham gia cách mạng”. Kết quả: tôi thi rớt, cho dù điểm chuẩn để vào đại học cho con em thuộc “gia đình cách mạng” còn cách xa điểm thi của tôi ít nhất là 10 điểm nhưng tôi vẫn “không đủ điều kiện xét tuyển” vào đại học. Thế mà địa phương lại cho tôi là “đầy đủ điều kiện” để đi thanh niên xung phong. Trong ngôi trường này, tôi học xắn đất, bắn leng, làm quần quật như trâu, ăn như heo, ngủ lăn trên trên nền đất trong lán sam y như bò ngựa... và người ta cứ nghĩ rằng thông qua môi trường lao động và những đêm sinh hoạt chính trị sẽ “cải tạo” những thanh niên thành phố như chúng tôi. Trong hoàn cảnh cực nhọc, khốn cùng tận đáy vực này, chúng tôi cũng ít ra tìm thấy chút ít bình đẳng giữa tôi là một đứa“con Ngụy” cũng “đồng sàng” như anh nghiện hút sì ke, cô gái điếm! Đây là khoảng thời gian mà trường đời đã dạy cho tôi khá nhiều bài học lý thú trước khi tôi được vào học sư phạm. Người ta thường đùa: “Chuột chạy cùng sào cũng vào sư phạm” nhưng với tôi thì có được ngồi học trên ghế nhà trường vẫn hơn là đi cày ngoài nắng nên tôi vẫn thấy sung sướng khi được đi học lại. Trong những năm học sư phạm, tôi cũng may mắn có nhiều bạn tốt, như Phương, Tư, Trọng, Mỹ Lệ, Bích Liên, Minh Trí, Loan, Triều..., cũng có những người thầy tốt như thầy Nam Minh (Pháp văn). Những ngày đi thực tập là những ngày vui và nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất. Sau khi ra trường, chúng tôi không còn có dịp gặp lại nhau nữa và cũng không biết bây giờ các bạn ấy hiện nay sống ở đâu? cuộc sống của họ ra sao? Hy vọng họ vẫn là những thầy cô giáo còn đứng vững trên bục giảng, vẫn tiếp tục hy sinh “vì đàn em thân yêu” của mình. Tôi học môn Hóa - Sinh nhưng ra trường lại đi dạy bất kỳ môn nào mà nhà trường cần vì thiếu giáo viên, trừ môn Văn! Bắt đầu ở một trường thuộc quận Bình Thạnh được trên 5 năm, tôi có khá nhiều học trò rất giỏi và dễ thương nên cũng an ủi với nghề cao quý mà bạc bẽo này. Thầy Quế (dạy Pháp văn trên 30 năm) có nói một câu đáng nhớ: Chúng ta làm công việc của một người đưa đò, hiếm có mấy ai qua sông rồi mà còn nhớ đến con đò cũ!” Tôi may mắn có được vài người học trò cũ vẫn nhớ và liên lạc thường xuyên cho dù tôi dạy khá nghiêm khắc hơn các thầy cô khác. Ngay cả khi tôi vượt biên thất bại, bị tù, bị đánh nằm nhà thương, tôi vẫn có được chút an ủi là có được vài người học trò đến thăm. Những năm phải ăn bo bo, khoai mì, bột mì ...thay gạo, thịt-cá-mắm-muối-đường-sữa ...phân phối theo “tiêu chuẩn” mà giáo viên vẫn cứ phải thao thao giảng trên bục, tối về chong đèn dầu chấm bài hay soạn giáo án, chờ cuối tháng lãnh đồng lương “chết đói” thì mới thấy cái khổ của nghề dạy học ở Việt Nam lúc ấy. Nhiều lúc dở cười dở khóc khi thấy thầy cô chia nhau từng miếng thịt “tiêu chuẩn”, tranh nhau từng xấp vải, “tranh thủ” giờ ra chơi để bán xôi cho học trò mình hầu có thêm chút đỉnh “thu nhập”! Trường đời dạo ấy cũng đã dạy cho tôi nhiều bài học về tình đời, tình người và những điều không hề có ở trường học. Có bà hiệu trưởng luôn “động viên” thầy trò “phấn đấu dạy tốt - học tốt” nhưng lại dẹp bớt lớp học, không cho 2 vợ chồng thầy cô là “giáo viên tiên tiến” mấy năm liền ở “tạm trú” nữa để mở hãng chuối xấy khô xuất khẩu. Có thầy đến lớp buổi sáng thao thao giảng về “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” nhưng đến chiều tối thì công an đến bắt thầy về tội “âm mưu vượt biên trốn ra nước ngoài.” Có cô là bí thư chi đoàn luôn dò xét “tư tưởng” các đồng nghiệp, dạy chính trị & đạo đức XHCN., về nhà là phải quấn thuốc lá “lậu,” đến khi bị lao phổi thì ai nấy xa lánh, không tiền chữa trị thuốc thang mà đành chịu chết. Nhà trường XHCN. đã là một hình ảnh thu nhỏ của trường đời với đủ thứ “hỉ-nộ-ái-ố...” mà lắm lúc thầy còn chẳng ra thầy, nói gì đến trò! Lúc đó, tôi mới thấy tuổi học trò của tôi sao may mắn quá, ít ra tôi không hề bị thầy cô dạy “căm thù kẻ địch” (một bài trong chương trình Đạo Đức lớp 8), bắt đi thu nhặt giấy vụn và bao ni-lông cũ theo “chỉ tiêu của ...trên giao”! Tôi cũng không ngờ nỗi là chính xã hội đã khiến vai trò của thầy cô trở nên nặng nề nhưng uy tín ngày càng mất đi, ít còn được tôn trọng như ngày xưa khi mà cuộc sống trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Chương trình học chỉ nhằm tuyên truyền nhồi sọ, nhiều sai lầm và lỗi thời, phương pháp dạy lại có tính đối phó, không phù hợp với thực tế, tạo ra sự giả dối hơn là mở mang trí tuệ, khuyến khích sáng tạo nhưng không thầy cô giáo nào dám lên tiếng phê bình, góp ý. Những ngày hè tập trung “bồi dưỡng chính trị” là chính, “chuyên môn & nghiệp vụ” là thứ yếu, khéo nịnh bợ, giỏi khoác lác là dễ được “đề bạt” hay “bình chọn” là “tiên tiến” vào cuối năm. Phong trào dạy thêm là dịp tạo thêm “thu nhập” nhưng khi thầy cô “chạy sô” thì đến trường đã mệt mỏi, không còn hơi sức để dạy, học trò cũng không học thêm được gì mà chỉ mong thầy cho “đề tủ”, giải dùm bài tập, nới tay hơn khi trả bài hay chấm thi. Chưa bao giờ tôi thấm thía câu thơ Cao Bá Quát: “Một thầy, một cô, một chó cái Học trò, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” như thời gian này. Tôi cũng đã phải kiếm thêm tiền bằng nghề chụp ảnh đám cưới, đám ma, đám tiệc và cả việc tổ chức du lịch cho các trường học mà vẫn không đủ sống khi vật giá cứ tăng, còn phải “cống nạp” cho nhiều “chặng”. Cho dù cha tôi không bao giờ muốn dính líu đến chính trị và cũng muốn mọi người trong gia đình chúng tôi (từ các cô chú đến anh em chúng tôi) hãy lo học để có một nghề nuôi thân và phục vụ xứ sở như chính bản thân ông nhưng cuối cùng ông vẫn phải vào trại cải tạo và vĩnh viễn an nghĩ trên quê hương Việt Nam sau 5 năm tù. Tôi thật sự không hiểu nỗi tại sao một người chỉ biết đem nguồn nước ngọt trong lành đến cho người dân mà phải “cải tạo” rồi chết tức tưởi trong thân phận một Ngụy Quân - Ngụy Quyền, lôi kéo theo hậu quả dây chuyền cho đàn con của ông? Như một ly nước tràn, vì thế, sau khi ba tôi mất, tôi đã quyết định ra đi. Sau 3 lần thất bại vì bị gài, bị gạt thì chuyến vượt biên cuối cùng đã đưa tôi và 2 cậu học trò đến được Mã Lai sau 23 ngày trên biển, vừa đói khát, vừa bị bão, bị hải tặc Thái Lan cướp đến 2 lần, 5 người bạn đồng hành đã vĩnh viễn ra đi. Tôi sẽ mãi mãi nhớ ơn một chiếc tàu đánh cá Singapore đã cứu vớt chiếc ghe chúng tôi từ vùng biển Thái - Mã để đưa chúng tôi về tận bờ biển làng Endau trước khi Hội Hồng Nguyệt Mã đưa chúng tôi từ Johor về Trenganu rồi đến Pulau-Bidong vào một chiều mưa bão tháng 11 năm 1986. Từ ngày đặt chân lên đất liền, tôi đã tự nguyện với lòng mình là từ nay tôi sẽ đền đáp Trời Phật và Ba tôi linh thiêng đã phù hộ cho tôi được sống sót sau 23 ngày hải hùng, đói khát trên biển Đông - đó cũng chính là động lực thúc đẩy tôi phải cố gắng phấn đấu để học hỏi, sinh tồn và vươn lên trên xứ người, đã tham gia nhiều công việc thiện nguyện & xã hội như một bổn phận, một sự đền ơn, không hề vì một tham vọng hay là một sự tự tư tự lợi cho bản thân! Suốt hơn 3 tháng ở Pulau-Bidong cộng thêm 2 tháng ở Sungei-Besi rồi sau đó gần 6 tháng ở Bataan, Philippines, tôi cũng đã học thêm nhiều bài học cho trường đời của mình. Thành thật mà nói cuộc sống ở Pulau-Bidong thật phức tạp và người tị nạn đã trải qua những khó khăn về vật chất lẫn tinh thần mà khó có ai ngờ trước được. Trong thời gian sống ở “ngưỡng cửa tự do” mà tôi không biết nên gọi là “địa ngục” hay “thiên đàng” này, tôi đã may mắn tìm thấy chút ít tình người rất quý báu ở những người bạn mới quen biết trong trại tị nạn này, như Ẩn (hiện sống ở Kingston, Canada), chú Phan Xuân Hiệp, 2 cô bé Huyền - Thư (Mỹ), Cửu Thơm và Hoàng Phượng (Úc). Tôi sẽ không bao giờ quên những buổi đi dạy ở trường Anh Văn khu B, trường Pháp Văn khu F, những buổi đi đốn củi trên núi rồi xuống tắm suối hay tắm biển ở khu D, tối đến rủ nhau lên chùa Từ Bi cúng Phật, cầu nguyện cho những người bạn đã bỏ mình trên biển sớm siêu thoát. Tôi đã cố gắng làm nhiều công việc thiện nguyện bận rộn suốt ngày để tránh bớt những phức tạp của một trại tị nạn, đồng thời cũng muốn giúp đồng bào tôi như là một việc thiện nhằm bù lại cái Ơn Trời Phật đã phù hộ cho tôi được sống còn sau 23 ngày lênh đênh trên biển với biết bao nguy hiểm, đói khát... Đến khi có danh sách rời đảo, tôi vừa vui mừng, vừa bùi ngùi từ biệt những người bạn tốt vừa mới quen trên đảo nhưng thân thiết như anh em ruột thịt. Nghe bài “Biển Nhớ” và “Nghìn Trùng Xa Cách” mà chúng tôi không cầm được những giọt nước mắt ! Trong thời gian ở Sungei-Besi, tôi vẫn phải lên chùa, sinh hoạt hướng đạo hay đi dạy để xa lánh những phức tạp ở dãy long house mà tôi bị xếp vào ở chung. Khi đến Bataan, tôi cũng đã phải di chuyển từ vùng 7 qua vùng 9 rồi về vùng 8 với anh Hiền (cựu phi công, có lẽ đã về California?) trước khi đi định cư ở Mỹ. Những ngày ở trại tị nạn, tôi đã thấy rõ hậu quả của một xã hội “bế môn tỏa cảng”: Khi người ta vượt thoát khỏi “nhà tù lớn” Việt Nam để đến một nơi tự do hơn thì lẽ ra người ta phải biết quý tự do, phải biết thương nhau hơn nhưng tôi chỉ thấy người ta lại tự do buông thả, ăn chơi sa ngã, sẳn sàng hại nhau để rồi không ít người phải vào tù, vào bệnh viện, thậm chí vĩnh viễn ở lại Phi. Ở các trại tị nạn còn có những chuyện buồn nôn, chẳng hạn: cùng là dân “tị nạn” nhưng một anh cựu sĩ quan lại có thể hà hiếp, ăn chận khẩu phần của một anh tị nạn khác chỉ vì anh khéo nịnh bợ một tên cảnh sát Mã Lai hay Phi. Một anh cùng nằm tù với tôi dạo nào vốn bị bạn tù ghét vô cùng vì luôn khúm núm trước tên quản giáo đáng tuổi con cháu của anh, lên ghe vượt biên thì nói láo là sĩ quan hải quân từng làm hạm trưởng nhưng lại chẳng biết sử dụng hải bàn, hải đồ mà cũng chẳng biết lái tàu, tiếng Anh cũng không biết nhưng khi đến trại tị nạn và được phong làm “trưởng ban trật tự” rồi “trưởng trại” thì anh ta cứ như một cấp chỉ huy chống Cộng số 1, tuyên bố nảy lửa ...nhưng lai cứ phải “chôm” ít thực phẩm của đồng bào đem về nhà để nấu cơm và chìu chuộng cô vợ bé, mặc kệ 2 đứa con lăn lóc. Cô vợ bé vốn là ca-ve bị hải tặc Thái hãm hiếp mấy trận rồi lại cặp bồ với cảnh sát Mã nhưng vẫn còn nỏn nà đã khiến ông mê mệt và ông mới cặp khi ông lên làm “chúa đảo” vì xa vợ đã lâu mà chưa được đi định cư. Sau này, khi đến Mỹ, tôi mới biết được anh ta còn bê bối hơn tôi tưởng khi anh nhảy ra sinh hoạt cộng đồng với nhiều trò bát nháo. Những chuyện “cười ra nước mắt” lẽ ra nên viết thành truyện dài nhiều tập mới tạm coi là đủ về trại tị nạn. Một lần nữa, tôi nghiệm được rằng 12 năm ở trường học đã hình thành một con người khó có thể hội nhập vào một môi trường khác biệt nên tôi đâm ra khó khăn, xung khắc và trở nên dễ bị cô lập với loại trường đời như vậy. Tôi không biết là mình nên tự trách bản thân đã không chịu “linh động” thay đổi để hòa đồng với mọi người, hay là trách trường học đã không dạy cho tôi rất nhiều điều cần thiết phải biết để thích nghi với trường đời đầy cạm bẫy, dối trá, thử thách rất khắc nghiệt này. Cuối cùng, tôi cũng đến Mỹ với thân phận tị nạn - một loại di dân hợp pháp và có trợ cấp ban đầu. Sau 23 ngày khủng khiếp lênh đênh trên biển mà tôi vẫn còn sống sót, trải qua những ngày căng thẳng trong trại tị nạn ở Mã Lai và Phi Luật Tân, khi đặt chân xuống phi trường LAX, tôi mới thấy được cái giá quá đắt của sự Tự Do, mới tin là có số mệnh, biết ăn chay và niệm Phật, không còn tính chủ quan tự mãn mà thật sự muốn sám hối và cố gắng thay đổi con người mình sao cho có thể thích nghi với môi trường mới một cách tốt đẹp nhất cho bản thân, đồng thời có thể giúp đỡ phần nào cho Mẹ & các em tôi còn kẹt lại ở Việt Nam, các bạn còn kẹt lại ở trại tị nạn và mong rằng sẽ có thể vào được đại học như bấy lâu nay vẫn mơ ước. Tôi đến phi trường LAX vào trưa ngày14 tháng 9 năm 1987; sau khi làm thủ tục nhập cảnh thì tôi lên xe shuttle để về Orange County, nơi có người chú ruột của tôi sẽ đón. Tới phi trường John Wayne rồi đợi trên 2 giờ đồng hồ mới thấy chú tôi đến đón, tôi lại một phen lo sợ, hồi hộp. Chú đưa tôi về khu Bolsa để ăn phở. Sau gần 1 năm, tôi mới được thưởng thức lại mùi vị quen thuộc của một tô phở nên vừa ăn, vừa cảm thấy sung sướng làm sao khi đã đến “bến bờ tự do” thật sự. Hoa Kỳ- từ nay sẽ là quê hương thứ hai của tôi. Bấy giờ tôi chỉ còn 2 bàn tay trắng và 2 bộ quần áo cùng với vài giấy tờ tùy thân, chẳng có đồng xu dính túi. Hôm sau, tôi đi gặp World Relief để làm thủ tục rồi sau đó đến văn phòng tìm việc và cũng là trường dạy ESL. Khổ nỗi, tôi lại ngây thơ khai thật về vốn liếng Anh Văn ít ỏi nên chỉ lãnh vỏn vẹn $250.00 USD rồi phải lê gót đi tìm việc ngay chứ không được vừa đi học ESL., vừa ăn trợ cấp như đa số tị nạn khác. Chú tôi mắng tôi một trận về cái tội ngu này. Buổi sáng đầu tiên đi xin việc, tôi đã phải thức dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị kỹ lưỡng theo như văn phòng tìm việc đã dặn dò rồi bước ra trạm xe bus cách nhà chừng nửa dặm. Lần đầu tiên đi xe bus, tôi lại gặp một tài xế Mỹ đen nói khó nghe mà ông ấy cũng tỏ ra khó chịu khi phải cố gắng để hiểu được điều tôi muốn nói. Cuối cùng tôi cũng đến được nơi tôi phải đến: một hãng chuyên lo thủ tục xuất nhập cảng chỉ cách nhà tôi ở khoảng 5 miles. Công việc làm đơn giản nên lương cũng thấp. Do đó, chú tôi khuyên tôi bỏ job để theo chú học nghề xây dựng (construction). Tôi làm theo lời chú nhưng sau 3 năm, tôi quyết định đi học cho xong để có một mảnh bằng đại học vì rõ ràng là tôi không thích hợp với công việc thầu xây cất. Muốn vậy, tôi phải kiếm một job khác đủ nuôi sống bản thân, trả tiền nhà, tiền xăng và xe, tiền học. Suốt mấy năm học college và đại học, tôi đã phải làm đủ mọi loại công việc, từ dễ dàng như chạy bàn, phụ bếp, assembler ở Metronics, phụ giáo ở trường trung học Huntington Beach và Westminster, họa viên kiến trúc, bán tạp hóa ở tiệm liquor, sorting mail ở Post Office, đến những công việc mà ai cũng chê như lau chùi cầu tiêu và sàn nhà nhầy nhụa dầu mỡ ở một xưởng sản xuất đinh ốc tại thành phố Brea, đi giao báo hay phone books, hoặc auto parts, làm soil technician trên những mảnh đất hoang sơ hay ngọn đồi trơ trọi cháy nắng. Có những tuần lễ mà tôi không có tiền để ăn mà phải dành dụm tiền để mua vật liệu (materials đắt tiền như basswood chẳng hạn!) làm mô hình (case study model) nên đành nhịn đói, uống nước lã “...cầm hơi” suốt mấy ngày sau mới có mấy đứa bạn cùng lớp cho một miếng pizza, một cái burger hay hotdog loại 99 cents (sao mà ngon đáo để!). Có hai tháng trời không có tiền để “share phòng” nên phải ngủ dưới gầm bàn vẽ hay trong chiếc xe cũ đậu trong parking lot của trường, tắm ở phòng thể dục (gym) của trường, ăn mì gói dài dài... Nước Mỹ không phải lúc nào cũng là một “Thiên đàng” như nhiều người lầm tưởng! Hãy xem biết bao người là homeless ở California? Tôi chấp nhận bắt đầu làm lại cuộc đời mình từ đáy xã hội để vươn lên nên không dám than thở mà cứ phải cố gắng học và đi làm để hy vọng có một ngày khá hơn! Dù sao, với tôi, nước Mỹ vẫn khá hơn quê tôi nhiều! Trong 2 năm làm phụ giáo ở Orange County, tôi cũng hiểu được tại sao học trò ở Mỹ thiếu sự kính trọng các thầy cô giáo, vì sao các em lại dễ hư hỏng trong khi các em có đầy đủ điều kiện, tiện nghi hơn ai hết để có thể trở thành con ngoan - trò giỏi - công dân tốt. Giá như các em đừng biết xài tiền và đua đòi quá sớm, được gia đình - nhà trường - xã hội quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục tâm sinh lý, đạo đức hơn là tư tưởng hiện sinh - thực dụng thì có lẽ sẽ hạn chế phần nào tình trạng những trẻ vị thành niên hư hỏng, phạm tội. Từ vai trò một sinh viên đến vị trí một phụ giáo đã cho tôi thấy nhà trường Mỹ rõ ràng khác với nhà trường Việt Nam nhiều quá, nhất là khi mà thầy cô đến lớp với ý nghĩ đi dạy chỉ là một cái job, ít ai có lương tâm chức nghiệp và cũng khó có biện pháp giáo dục nào hữu hiệu trước những lắt léo của luân lý, đạo đức, tập tục và quan niệm sống của người Mỹ và xã hội Mỹ! Khi ra trường, tôi cũng phải đổi từ các hãng tư vấn - thiết kế ở Costa Mesa về Buena Park qua Fullerton rồi trở thành công chức ở Artesia, lên San Jose, qua Fremont rồi Oakland trước khi quay về Los Angeles. Chỉ một thời gian ngắn với bấy nhiêu lần thay đổi, từ những ông boss gốc Do Thái, Đài Loan, Trung Đông hay Việt Nam, trường đời đã cung cấp tôi khá nhiều kinh nghiệm, kiến thức quý báu gấp mấy lần những năm dùi mài trong trường Fullerton, Pomona và UCLA. Biết chủ bóc lột nhưng tôi lại cứ làm việc chăm chỉ, siêng năng, chịu khó học hỏi, bệnh cũng không dám nghĩ bởi dù sao, nghĩ lại thì tôi vẫn sướng hơn thời gian còn kẹt lại trong nước, làm như trâu mà vẫn không đủ ăn. Bây giờ, làm một giờ ít ra cũng đủ mua một hộp gà chiên dòn hiệu KFC, cuối năm còn dành dụm chút ít gửi về cho thân nhân bên nhà. Chính lúc này, tôi thật sự biết ơn nước Mỹ đã cho tôi cuộc sống mới, tự do hơn, bình đẳng hơn và nhiều cơ hội học hỏi để tiến thân bằng chính khả năng của mình, mở rộng tầm mắt để nhìn thấy rõ ràng và đúng hơn về chính bản thân mình, về quá khứ/ hiện tại/ tương lai, về quê hương Việt Nam và cộng đồng Việt Nam ở Mỹ của tôi nên tôi không thể nào phủ nhận lòng bao dung của nước Mỹ và cả chính xã hội Mỹ với tất cả tốt/ xấu, hay/ dở... đã thật sự đổi đời mình. Có lẽ đây là một trường học mà tôi sẽ phải “mài đũng quần” cho tới cuối đời vẫn chưa học hết với biết bao điều cần thiết cho đời mình. Sau 10 năm lăn lộn trong cuộc sống bon chen của nước Mỹ, giờ đây tôi mới có thể tự tin hơn khi nhìn về tương lai và đến hôm nay tôi phải nói thật rằng”đất hứa” này sẽ là “quê hương thứ hai” của tôi. Cho dù tôi vẫn không sao quên được Việt Nam - quê hương mà tôi đã sinh ra và lớn lên nhưng sau một cuộc “đổi đời,” tôi buộc lòng phải chạy tìm đất mới màsống chỉ vì chế độ Cộng Sản tại Việt Nam đã trả thù tàn nhẫn một đứa “con Ngụy” như tôi bằng đủ hình thức phân biệt đối xử để dồn tôi vào chân tường trong suốt 11 năm! 25 năm qua, tôi đã trưởng thành từ “trường đời” ở Việt Nam, qua các trại tị nạn Mã Lai & Phi Luật Tân rồi tới Hoa Kỳ, với nhiều bài học quý giá, biết rõ hơn về thực tế cuộc sống, biết trân trọng “Tự Do” và “Dân Chủ” và cũng biết ước mơ nhiều hơn về tương lai. Năm 1996, lần đầu tiên tôi trở về thăm Việt Nam của mình vào thời mở cửa với nhiều “đổi mới” rất đáng khích lệ và cũng thấy ngỗn ngang nhiều chuyện không vui,chưa hẳn là đúng/ tốt/ công bằng và nhất là những mâu thuẫn do chênh lệch giàu - nghèo nhưng tôi cũng đành bó tay, không làm được gì hơn là viết ra những điều mình trăn trở, băn khoăn, qua kinh nghiệm của một chuyên viên kiến trúc - quy hoạch ở tiểu bang California về hướng phát triển của Saigon nói riêng, Việt Nam nói chung hôm nay và tương lai.

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Đây là bài của bạn Đạt đăng trên http://vanghe.blogspot.com/2009/07/tu-truong-hoc-en-truong-oi.html tháng 4 măm 2000, tôi mạn phép đưa lên blog cho các bạn cùng xem. Vì bài này dài tôi xin chia ra 3 phần.

Từ Trường Học đến Trường Đời


Từ Trường Học... Hầu như ai trong chúng ta cũng đã có may mắn trải qua một khoảng thời gian đẹp nhất, dễ thương nhất và đáng ghi nhớ nhất của một thời cắp sách đến trường mà nhiều người vẫn gọi đó là tuổi học trò. Nói cụ thể hơn, đó là khoảng thời gian học tiểu học và trung học bởi sau khi vào đại học hay phải bước vào đời thì có lẽ người ta đã coi như trưởng thành, những ngây thơ và cả sự nghịch ngợm đã không còn được dễ dàng tha thứ như trước nữa mà bản thân sẽ phải biết nhận chịu trách nhiệm và hậu quả. Ngoài 2 năm đầu học chương trình Pháp ở trường Colette, 10 năm học tiểu học và trung học còn lại của tôi là ở trường Jean Jacques Roussseau mà sau này chuyển giao lại cho Việt Nam với tên gọi là Trung Tâm Giáo Dục Lê Quí Đôn với vị hiệu trưởng (tiểu học) Việt Nam đầu tiên là ông Hồ Văn Thể. Chính từ lúc đó, tôi bắt đầu học tiếng Việt với cô Phạm Lan Anh và năm sau là cô Nguyễn Thị Thương. Đó là những cô giáo đầu tiên dạy cho tôi biết đọc, biết viết tiếng Việt, biết yêu quê hương và đồng bào Việt Nam. Khác với những ông Tây, bà Đầm luôn răn đe trừng phạt, hai cô Lan Anh và Thương rất thương học trò và dạy tận tâm chúng tôi về mọi thứ căn bản mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, chẳng hạn như bên cạnh những bài giảng về Khoa Học Thường Thức, chúng tôi rất thích môn Lịch Sử với những truyện kể hấp dẫn về Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, v.v... hay những bài Công Dân Giáo Dục thường trích ra từ “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” hay “Tâm Hồn Cao Thượng.” Có thể nói, ngoài ảnh hưởng bởi cha mẹ và gia đình thì 2 cô giáo này đã gieo vào tâm trí tôi những ảnh hưởng ban đầu và sâu sắc về cái gọi là lòng yêu nước, về việc cố gắng làm con ngoan trong gia đình, công dân tốt ngoài xã hội. Đến năm lớp 6, trường tôi có một Ban Giám Hiệu hoàn toàn Việt Nam cho bậc Trung Học, với một Hiệu Trưởng rất đáng kính. Tôi còn nhớ một hôm nọ, một thầy dạy Toán người Pháp nổi giận quát mắng chúng tôi với những lời lẽ có tính khinh miệt, kỳ thị nên chúng tôi phản đối lên Ban Giám Hiệu thì chính ông Hiệu Trưởng đã xuống giải quyết khéo léo, ôn hòa và còn khen chúng tôi phải luôn có lòng tự trọng và tự ái dân tộc đúng lúc, đúng chổ. Tiếc là ông chỉ ở với trường chúng tôi quá ngắn ngủi. Hiệu trưởng kế tiếp là ông Nguyễn Trung Ngươn, cũng là người miền Nam, đã góp phần xây dựng trường tôi theo nề nếp giáo dục thuần túy Việt Nam ngay sau khi chuyển giao từ Pháp. Cần phải nói rõ thêm về trường tôi với kiến trúc Pháp mang vẻ đẹp Âu Tây, một sân trường vừa rộng thoáng và rợp mát với những gốc cổ thụ già nua, vừa thể hiện tính trang nghiêm, vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu giáo dục toàn diện. Nằm bên cạnh dinh Độc Lập, trường tôi có một vị thế tương đối “sáng giá” nên có khá nhiều học trò thuộc loại “con ông cháu cha,” có những người học giỏi, đàng hoàng, không ỷ lại vào cha mẹ thì cũng có một số “cậu ấm, cô chiêu” học dở, thích ăn chơi, quậy phá nhưng ít có ai dám vượt qua nội qui nhà trường với một Ban Giám Thị khá cứng rắn mà đứng đầu là Thầy Bê, Tổng Giám thị. Chương trình học năm lớp 6 cũng khá tổng hợp theo mô hình của Mỹ khi chúng tôi vừa học Âm Nhạc (thầy Trần Anh Linh), Hội Họa (thầy Tam Nhiều), Kỹ Nghệ Họa/ Công Kỹ Nghệ (thầy Minh), Canh Nông (thầy Nguyễn Văn Chức), vừa học Pháp văn lẫn Anh văn, lại có một cố vấn (academic counselor) vừa tốt nghiệp từ Mỹ về. Thầy Linh là người tổ chức phong trào Hướng Đạo tại trường tôi, với một thiếu đoàn Lê Quí Đôn đầu tiên thuộc đạo Thủ Đô. Sau này, anh Lê Phong Sơn - người học trò giỏi nhất, đàng hoàng, mẫu mực và hoạt động năng nổ nhất trong vai trò Tổng Thư Ký Hiệu Đoàn đã giúp thầy Linh xây dựng và mở rộng phong trào hướng đạo trong trường tôi. Những năm sinh hoạt hướng đạo đã giúp tôi khá nhiều trong cuộc sống sau này, ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành cá tính và chính anh Sơn đã là một hình tượng mẫu mực (role model) của tôi suốt một thời niên thiếu. Ngay sau khi đặt chân đến Mỹ, tôi đã vui mừng tìm gặp lại được anh Sơn tại San Francisco khi anh đã là một bác sĩ về tim mạch, vẫn đơn giản và vẫn là một hình tượng mẫu mực đáng cho tôi học hỏi, noi theo. Đến năm lớp 7, lớp tôi bắt đầu mê đá banh và thành lập một đội banh đầu tiên của trường với những cầu thủ khá xuất sắc và cũng là những người bạn tốt mà hôm nay tôi vẫn còn nhớ, như thủ môn Huynh, tiếp ứng Liêm (con trai bác Nguyễn Ngọc Thanh đi tàu Việt Nam Thương Tín, hiện ở Pháp, là một người hoạt động xã hội và từ thiện bền bĩ suốt 25 năm qua), hậu vệ Phát (con trai bác sĩ Nguyễn Tấn Chức, hiện ở Đông Nam Hoa Kỳ). Thầy Hải, chủ nhiệm lớp tôi và cũng là giáo viên sinh vật, đã ủng hộ nhiệt tình chúng tôi trong việc xây dựng đội banh và dấy lên phong trào này trong trường, bên cạnh những môn tennis, vũ cầu, bóng bàn mà bấy lâu nay vẫn là thế mạnh của trường tôi với nhiều chiến thắng liên tục nhiều năm. Sau ngày 30/4/1975, trường tôi còn có những “kình ngư” bơi lội xuất sắc của Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có phong trào làm bích báo và đặc san Xuân, văn nghệ mừng Xuân rất sôi nổi mỗi khi năm hết, Tết đến. Những phong trào này đã giúp chúng tôi đoàn kết gắn bó với nhau hơn, ngay cả khi ra đời sau này. Bước vào năm lớp 9, ông Hồ Văn Thể trở thành hiệu trưởng của cả Tiểu học lẫn Trung học nhưng đó cũng là năm mà ma túy bắt đầu du nhập lén lút giữa một số học sinh trong trường, cùng lúc với những trò ăn chơi, khiêu vũ, hay những trận đánh lộn giữa học sinh trong trường hay giữa trường tôi với các trường Marie Curie, Lasan Taberd, Cao Thắng. Cuối năm lớp 10, sự kiện 30/4/75 xảy ra, rất nhiều bạn học đã “di tản” ra nước ngoài cùng với gia đình, cả lớp tôi chỉ còn lại vỏn vẹn 11 đứa con trai nên đã phải sát nhập thêm nhiều nữ sinh từ các lớp khác (trước đây nam - nữ học riêng biệt, trừ lớp ban C / ngoại ngữ - văn chương). Hai năm học sau cùng, lớp 11 và 12, lớp chúng tôi có thêm một số bạn từ các trường khác đổi về, trong đó có 2 nữ sinh miền Bắc mới vào và đó cũng là 2 đoàn viên TNCS. duy nhất của lớp tôi. Trong 2 năm đó, trường tôi đã trải qua nhiều biến đổi to lớn. Chúng tôi cũng vội sớm giã từ những ngây thơ, vô tư khi mà cha chúng tôi đã vào “trại cải tạo,” số phận “con Ngụy” buộc chúng tôi phải biết lo lắng cho tương lai và biết e dè với những người bạn mới/ cũ đang “phấn đấu” vươn lên trong “xã hội mới”. Tuy vậy, hoàn cảnh mới cũng khiến đám “con Ngụy” chúng tôi biết thương nhau hơn như những anh chị em ruột thịt trong cùng một gia đình. Khi đi lao động thủy lợi, chúng tôi vẫn giúp đỡ, san sẻ cho nhau từng miếng cơm, miếng cá... Khi nghe tin gia đình tôi có giấy báo đi thăm nuôi ba tôi, bạn bè cũng hùn nhau mua ít thực phẩm gửi biếu mẹ tôi. Chúng tôi thường xuyên đến thăm lẫn nhau nên gia đình đứa này cũng là gia đình đứa kia, mẹ của một đứa này vẫn nấu ăn cho cả đám chúng tôi như thể là con ruột của mình, vừa vui vừa thương nhau nhiều hơn. Thầy Đỗ Hữu Nghĩa, dạy Hóa và cũng là chủ nhiệm lớp 12 của chúng tôi, đã khéo léo dìu dắt chúng tôi vượt qua nhiều trăn trở, khó khăn trong buổi giao thời ấy. Chúng tôi còn may mắn có thêm thầy Lương (dạy Văn) luôn gần gũi, thông cảm và chia sẻ tâm tình với chúng tôi. Các thầy cô cũng có những khó khăn riêng nhưng khi bước lên bục giảng, họ vẫn cố gắng làm tròn bổn phận của một “giáo viên XHCN.”, vẫn muốn giúp chúng tôi tìm ra cho mình một mục đich sống sao cho có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Thầy Nghĩa và thầy Lương đã không những “dạy chữ” mà còn luôn khuyên nhủ chúng tôi hãy có những ý nghĩ tích cực để vươn lên - như những đóa sen trong vũng bùn đen hơn là buông xuôi đầu hàng khó khăn, thử thách của cuộc sống. Những người thầy hiếm hoi này đã giúp chúng tôi xác định được phương hướng phấn đấu của bản thân mình, biết giúp đỡ và gắn bó với nhau hơn trong học tập lẫn trong cuộc sống thường ngày. Tôi cũng may mắn có được nhiều người bạn tốt, như đám con trai có Phát, Đạo(New Jersey), Hùng(Texas), Khương và Nhân (Việt Nam), bên các bạn gái có Nhạn, Hiền (Canada), Thanh Nga(Pháp), Huỳnh Hoa(Đức), H Yến (San Jose),v.v... Có thể nói đó là gia đình thứ 2 của chúng tôi, cho dù ngày nay hầu hết các bạn ấy đã lập gia đình - trừ Đạo, Nhân, Diệu Hiền và tôi còn ...độc thân! Ngày thi tốt nghiệp phổ thông cấp 3 (tú tài 2), tôi và Đạo đến ở trọ nhà Khương, mẹ Khương lo cho từng bữa cơm như lo cho chính Khương vậy mà không hề lấy một đồng xu nào cả. Sau đó, chúng tôi bắt đầu bước ra đời theo những ngả rẻ khác nhau, có đứa lo học thi vào đại học, có đứa tìm đường vượt biên hay chờ ngày “đoàn tụ” ở nước ngoài... Chúng tôi chỉ còn gặp lại nhau vào những dịp Tết hay Giáng Sinh trong vài năm đầu. Bởi thế, những ngày cuối năm học lớp 12 cũng là những ngày cuối cùng của tuổi học trò của chúng tôi. Có những cuốn Lưu Bút , những tấm ảnh vội vàng ghi lại chút kỷ niệm của một thời áo trắng. 12 năm học trò, 10 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường Lê Quí Đôn đã khiến tôi không bao giờ quên được ngôi trường đã chất chứa biết bao kỷ niệm của một thời niên thiếu. Với hành trang mà các thầy cô đã gom góp truyền dạy cho chúng tôi, từ trường học Lê Quí Đôn này, chúng tôi đã bước vào trường đời với những bài học khó khăn, đắt giá hơn từ những thử thách, gian nan của cuộc sống và cũng là lúc nhận thức được rằng chúng tôi sẽ phải đền đáp lại cho gia đình, trường học và xã hội này từ những cống hiến của mình cho trường đời....
NHỮNG CHUYỆN ĐẾN BÂY GIỜ MỚI KỂ 
(TIẾP THEO)

Như các bạn đã biết, ban chấp hành của cái gọi là chi hội thanh niên giải phóng được thông qua do sự chỉ định chứ không phải thông qua do bầu cử. Vì trước đó chúng tôi có tổ chức bầu cử nhưng cuộc bầu cử đó đã bị dẹp và kết quả của nó cũng bị hủy bỏ luôn. Thế là anh Nguyễn Đăng Quan làm tổng thư ký,hình như cô Thiên Thụy làm phó tổng thư ký thì phải, anh Hồ Tuấn Ngọc phụ trách xã hội, anh Đỗ Mạc Lô phụ trách văn nghệ còn tôi phụ trách việc anh ninh trật tư được gọi là tự vệ đoàn.
Cái tự vệ đoàn ban đầu chỉ làm nhiệm vụ như tôi đã kể phần trước là đi thu gom vũ khí còn rải rác trong trường, dọn dẹp vệ sinh các phòng lớp cùng với các bạn học sinh khác. Về sau khoảng hơn tuần sau ngày 30/4, trường bắt đầu tiếp nhận các hạ sĩ quan học tập cái gọi là cải tạo ngắn ngày, rồi đến lớp học của cán bộ thủy lợi,v.v...Tình hình trở nên phức tạp tự nhiên nhà trường có nhiều người ra vào, tôi liền nghỉ ra việc phải giữ số xe đạp và gắn may này. Thế là đội giữ xe được thành lập trong đó có các bạn sau đây: (Số liệu do bạn Phan Bá Thông hiện ở Singapore cung cấp)
Trong nhóm giữ xe, có: - Vũ Hoàng (Pháp) - Trần Văn Nhụy và em là Trần Văn Hồng (Pháp) - Bùi Thanh Hùng - Nguyễn Xuân Sơn (VN) - em, Phan Bá Thông (Singapore) - Bích Liên (Pháp) - Bích Nga - Bích Lan - Nguyễn Khắc Tuấn (Pháp) - Phạm Hữu Trí (VN) Giữ xe từ ngày đầu giải phóng đến khoảng tháng 11-12 thì giao lại cho đám Đoàn Viên, Hội Viên.
  
(Đây là phần thêm vào của bạn Vương Thiên Phước sau khi đọc bài này và gởi cho tôi, xin đăng vào đây để bổ túc)
Xi Dầu thân,

Trường mầy chắc đã nhập học rồi. Tuy bận rộn mà mầy cũng còn sức để viết trền blog là quá hay. Bài TVD của mầy làm tao nhớ lại nhiều kỷ niệm.

Phải nói là Tự vệ đòan có lực lượng hùng hậu nhất, và cũng đắc lực nhất trong nhiều công tác (trong đó có việc giữ xe cho trường). Danh sách TVD tham gia giữ xe mà Phan Bá Thông đưa ra thiếu những bạn sau đây: Nguyễn Quang Cường tự Vịt bầu (Mỹ), Vũ Trần Huy Vận (Mỹ), Lê Huy Long (VN?), Đặng Trần Tùng Quân (Mỹ), anh em Nguyễn Quốc Khanh & Quốc Thông (VN) và một bạn nữa tao quên tên nhưng được mệnh danh là "La vache qui rit" bởi nó cười giống hệt cái hình trên hộp fromage. Trong operation giữ xe, TVD đã tổ chức rất chặt chẽ, tao nhớ mấy bạn đã mang walkie-talkie của gia đình vào để các cụm canh gác ở tất cả các cổng ra vào co thể dể dàng liên lạc với nhau.

Tao nhớ tên từng bạn bởi vì tao và Lô thường nấu ăn trưa hàng ngày bên cạnh lò nấu ăn của TVD mà thường do Vịt bầu Nguyễn Quang Cường quán xuyến. Và tụi tao cũng thường ngồi ăn kế bên TVD luôn. Mới đó mà đã gần 40 năm!

Phước

(Còn đây là bài của bạn Đỗ Mạc Lô bổ túc vào câu chuyện tôi kể cho các bạn)

"La vache qui rit" hình như nguyên là dân lớp đêm thì phải. 
Nhắc tới vụ giữ xe mới nhớ là trong thời gian đó, trong các môn học ở trung học môn sử có thay đổi nhiều thành ra hội trường được dùng cho các giáo viên sử các trừơng ở Saigon đễ huấn luyện về việc dạy môn sử trong chương trình mới. 
Lúc đó, ngòai việc giử xe cho các giáo viên, tuị mình có "thầu" luôn cái vụ in cái chương trình sử mới này. Toàn bộ in bằng ronéo.  Chia nhau ra đánh máy thì phải, trang đầu thì do NĐ Nhân vẽ.  Tính tóan ra lúc đó cũng kiếm được mớ tiền dùng cho quỷ cuả chi hội.  Ai dè lúc giử xe lại làm mất một chiếc.  Tới bây giờ nghĩ lại củng không hiểu tại sao lại mất.  Xe thì giử ngay trước hội trường, chổ sân đánh tennis.  Hôm đó có cô giáo viên còn giử giấy gửi xe, nhưng khi lấy xe thì lại không thấy xe của mình đâu cả.  Lúc đó, xe đạp là cả một tài sản, là phương tiện duy nhất để di chuyễn.  Rốt cuộc thì tụi mình phải bồi thường cho cô ta theo trị giá xe đạp mini lúc đó, hình như là ba mươi mấy ngàn.  Tính lại coi như không kiếm được bao nhiêu cả.
Sau đó mới xãy ra những vụ mất xe liên tục như Xì Dầu kể.

Cẩn thận hơn nữa, tổ giữ xe cứ mỗi sáng và đầu giờ chiều tôi cho các mã số trên phiếu giữ xe khác nhau đề phòng bọn trộm xe giả phiếu giữ xe. Tiền thu được đưa về quỹ của chi hội trong đó đã trừ tiền ăn cho anh em giữ xe hai buổi.
Về sau khi tôi không còn ở nhà trường nửa tức là khoảng thời gian đã tựu trường, các bạn có chạy lên tôi cầu cứu về việc xe gửi bị trộm mất. Tôi liền tới trường bàn bạc với anh em là phải rình bắt cho bằng được tên ăn trộm. Nhóm tụi tôi chia ra làm 2, một phục bên khu gữi xe đường Trần Quý Cáp, một bên chổ để xe của thầy cô và phụ huynh phía cổng chính trường. Chiếc xe mồi là chiếc xe mini có gắn ông khóa Viro thứ thiệt. Sau vài ngày canh rình thì tên trộm mò tới. Nó đi vào bằng cổng trước giả dạng là phụ huynh đến xin phép cho con em. Tên đi vào và bọc theo đường hành lang ra chỗ gữi xe của thầy cô, nó lấy trong túi quần ra cây kèm cộng lực và cắt đứt gọn ống khóa. Chỉ còn chờ thế đó cả nhóm chúng tôi ùa ra, tên trộm vội chạy theo dãy nhà lao công và băng qua đường Công Lý chạy qua công viên Vạn Xuân và cuối cùng nó bị bắt tại đây. Đem nó về trường chúng tôi tra hỏi nó, nó khai đã lấy trên 20 chiếc. Sau đó chúng tôi giao nó cho chính quyền xử lý.
 Về sau tôi cũng không biết tổ giữ xe này còn tồn tại tới bao lâu mới giải tán.
Cũng trong thời gian giữ xe lúc còn tôi, chúng tôi có làm một chuyện mà kể ra cũng thấy xấu hổ là chúng tôi đã đục thùng xăng chiếc công xa của trường để lấy xăng bán đi lấy tiền rủ nhau đi uống cà phê ở quán rạp Capitol ở đường Cao Thắng. Âu đó cũng là tuổi học trò đầy hiếu động và phá phách.


Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

NHỮNG HÌNH ẢNH SƯU TẦM VỀ TRƯỜNG LÊ QUÝ ĐÔN


Đây là một số hình ảnh tôi kiếm được ở trang http://aejjrsite.free.fr về ngôi trường của chúng ta. Những hình này được chụp vào năm 1994, 19 năm sau biến cố 30/4, chúng ta thấy nó chưa có sự thay đổi nào. Những hình ảnh này giúp cho các bạn nhớ về một thời đáng nhớ của mình.


























Bạn bè Lê Quý Đôn những thập niên 80 nơi xứ người

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

NHỮNG CHUYỆN ĐẾN BÂY GIỜ MỚI KỂ (TIẾP THEO)

Những ngày cuối tháng tư 1975 nóng bỏng, từ khi các chuyến C 141 cứ 20 phút đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất để di tản những người làm việc cho Mỹ và chính quyền. Những hôm đó chúng tôi mất anh Lê Phong Sơn, anh đã ra đi với gia đình trong chuyến đó. Những hôm đó Tân Sơn Nhất tràn ngập xe hơi và xe gắn máy mà những người di tản bỏ lại, ai muốn lấy thì lấy, xe nào cũng có carte verte gài lại. Rồi đến vũ Nguyễn Thành Trung bỏ bom dinh Độc Lập trùng vào ngày cả trường thi đệ nhị bán niên. Tôi nhớ lúc đó thấy Quảng Lan đang mới viết chữ Log népérien trên bảng thì một tiếng máy bay xé qua bầu trời kèm theo tiếng nổ lớn vang dội; cả trường náo loạn mạnh học sinh, mạnh thầy giáo chạy. Tôi và anh Ngọc lấy máy chụp hình chạy ra cổng trước hướng về dinh để chụp hình lúc đó là hơn 8 giờ sáng. 9 giờ tôi nghe tổng thống nói trên đài và sau đó là chuyện các hoạt động phải tạm dừng trong đó có trường của chúng ta.
Còn tôi trở về nhà, phải đi gác nhân dân tự vệ vì trong tuổi hạn định. Ghé qua trường quốc gia âm nhạc thì thấy mấy thầy như Bùi Thiện, Lê An, Đoàn Chính cần tờ báo, mặt rất lo âu ( vì toàn là dân chiêu hồi) nói một câu:” sao ngày nào cũng mất một tỉnh vậy” và trường nhạc cũng đóng cửa luôn. Thế rồi cái ngày định mạng cũng tới. Sáng 29 tháng 4 tiếng của thủ tướng Vũ Văn Mẫu vang lên trên đài: “ tôi nhân danh thủ tướng VNCH yêu cầu các tùy viên quân sự DAO Mỹ hãy di tản khỏi VNCH, quá 24 tiếng chính phủ không chịu trách nhiệm”. Thế là hết, tôi cũng hòa với dòng người đi hôi của nhà Mỹ, đầu tiên là cư xá Brink sau lưng quốc hội rồi cuối cùng đến khu nhà lầu bảy tầng ở xóm. Đêm 29 trên lầu cao nhìn chung quanh Sài Gòn thấy đâu đâu cũng có lửa cháy. Hiệu lịnh cho người Mỹ di tản là bài ” tôi mơ một mùa giáng sinh có tuyết rơi…”. Thế rồi hàng đoàn CH 3 kèm theo F4 bảo vệ bay vào Sài Gòn.
Sáng 30 những dòng người hôi của vẫn còn, nhân viên cảnh sát, quân cảnh cũng tham gia với họ.Ở các trụ sở người ta kéo hình tổng thống Thiệu xuống. Sài Gòn trong hoàn cảnh không luật pháp. Đến trưa Dương Văn Minh đọc lần đầu tiên trên đài là yêu cầu các nhân viên VNCH ở lại tại nhiệm sở chờ bàn giao cho chính quyền Cộng hóa miền nam Việt Nam, sau đó ít lâu là văn bản đầu hàng. Tôi vội rút vô trong nhà vì mạnh ai nấy lượm súng bắn lung tung lên trời, đạn rớt xuống mái nhà rầm rầm; còn súng thì tôi trả lại trụ sở. Tối hôm đó tôi bị điều ra gác đường theo yêu cầu của chính quyền mới.
Ngày 2 tháng 5, tôi nhận được giấy triệu tập vô trường. Khi đến cổng, điều làm tôi bất mãn đầu tiên là tên bộ đội gác cổng coi giấy nhưng hắn ta không biết chữ cứ cầm tờ giấy mà chữ nằm ngược. Theo nhiệm vụ mới, thì tôi được phân công làm trưởng ban tự vệ đoàn, anh Quan làm tổng thư ký, anh Lô phụ trách văn nghệ,….người chịu trách nhiệm với tôi là anh Ba Rô, anh Ba Dân là bí thư quận đoàn 3 ( những tay này là dân nằm vùng). Còn về phần bộ đội đóng trong trường là do hai anh Lý và Nguyễn Quốc Danh chỉ huy, hai anh này là dân sinh viên y khoa Hà Nội tình nguyện đi bộ đội nên dù sao nói năng cũng dể nghe hơn đám bộ dội cấp dưới.
Điều khó chịu đầu tiên là các phòng học đã bị dỡ tung ra, bàn học quăng tứ tán, bảng thì kê làm giường ngũ,v.v…còn nhà vệ sinh thì ôi thôi khỏi nói. Việc làm đầu tiên của tôi là cùng các bạn (có một chút gan dạ) đi thu gom hết tất cả vũ khí mà lính nhảy dù bảo vệ dinh bỏ lại trong các lớp, trong bàn học, trong tủ, ngoài hành lang ở cả hai bên tiểu học và trung học. Công việc này chúng tôi mất cả nửa tháng mới xong. Hôm bàn giao số vũ khí cho phường Hiền Vương họ nói sẽ đem xe ba bánh xuống, tôi thì trả lời lại các anh phải mang xe tải xuống đây mới chở hết. Tôi cũng có ít kiến thức vềm vũ khí vì đã đi gác NDTV nên các lựu đạn tôi cẩn thận gỡ hết muỗng ra tránh các bạn táy máy làm nổ thì toi mạng vậy mà cũng có bạn thò vào rút kíp muỗng bị nổ tét tay. Cũng “ cái kho vũ khí” này mà xảy ra chuyện với anh Trần Tử Lành mà tôi cũng bị dính vào. Các bạn nào không tin thì cứ việc hỏi anh Lành sẽ rõ. Tôi sẽ kể chi tiết phần sau.
Tôi cũng xin nói thêm trường Lê Quý Đôn chúng ta thời đó tồn tại hai lớp: Một học ban ngày và một học ban đêm. Sau 30 tháng tư cả hai loại lớp này đều tập trung vào trường hết. Thời gtian đó tôi có quen với anh Nguyễn Văn Dương là dân học ban đêm, sau anh chuyển qua xưởng Bason. Đã trên 36 năm nay tôi không có cơ hội gặp lại anh, không biết giờ anh còn ở VN hay đi nước ngoài rồi; số nhà của anh tôi vẫn còn giữ không biết chừng nào tôi về lại Sài Gòn kiếm lại.


(Tiếp Theo)

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...