Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

5. Lê Quý Đôn những ngày tháng cuối cùng
Tháng 3 năm 1975, tình hình chiến sự càng ngày càng căng thẳng, nó cũng là đề tài mà chúng tôi bàn bạc trong mỗi buổi học. Tôi nhớ Ông Lê An, Đoàn Chính, Bùi Thiện ở trường quốc gia âm nhạc, tay cầm tờ báo với vẻ mặt lo lắng nói: “Sao ngày nào cũng mất một tỉnh thế!”. Mấy ông này sợ vì mấy ổng là dân chiêu hồi.
 Ngày 8 tháng 4, tôi còn nhớ vào lúc 8 giờ sáng. Khi thầy Quảng Lan đang viết trên bảng chữ Log népérien, còn các lớp khác thi đang thi đệ nhị lục cá nguyệt (kỳ bán niên) thì một tiếng phản lực gầm rú bay qua. Tôi chợt nghỉ:” Ủa, khu vực này làm gì cho phép máy bay bay ngang” thì một tiếng nổ lớn vang lên từ dinh Độc Lập rồi kèm theo là tiếng súng cao xạ bắn theo. Tôi và anh Ngọc vội chạy ra lớp, thấy các thầy cô và các học sinh chạy tán loạn. Tôi nói với anh Ngọc lấy máy chụp hình chạy ra cổng chính đường Hồng Thập Tự qua bờ rào dinh đến đường Huyền Trân Công Chúa chụp hình. Những hình ảnh này anh Ngọc giữ và về Cần Thơ nhưng anh đã mất năm 1995, tôi không có cơ hội để thấy lại những hình ảnh này nữa. Đến 9 giờ thì có lệnh nghỉ học, tôi lấy xe đạp đạp ra hồ con rùa thì được biết dinh bị đánh bom bởi chiếc F5 và Nguyễn Thành Trung là người thực hiện. 10 giờ tôi nghe trên đài Sài Gòn lời của tổng thống Thiệu nói:”….. đó là hành động của một quân nhân vô kỷ luật….nhờ ơn trên tôi và gia đình đã thoát nạn”.
Đầu tháng 4 Sài Gòn rung chuyển bởi đàn máy bay vận tải C141, cứ 20 phút là một chuyến đáp đề chở nhân viên chế độ Sài Gòn và những người làm việc cho Mỹ di tản. Ngày đó tại phi trường Tân Sơn Nhất đầy rẩy xe cộ mà những người ra đi bỏ lại, họ bỏ lại giấy chủ quyền xe cho không. Đó cũng là lúc anh Lê Phong Sơn ra đi. Tôi và các bạn trong lớp đều ngỡ ngàng và những ngày cuối tháng 4 trường đóng cửa.
Ngày 2 tháng 5 chúng tôi lại vào trường theo lệnh của chính quyền mới. Trường lúc này là một sự bề bộn chưa từng thấy, lớp thì bộ đội vô đóng quân trong trường, lớp thì thầy giáo và học sinh chờ đợi sự sắp xếp. Chúng tôi nhận được sự phân công của quận đoàn quận 3 thông qua anh Năm Rô một cán bộ hoạt động thành. Tôi làm trường ban tự vệ đoàn lo việc an ninh kiêm phụ trách phần tập dượt văn nghệ trong khi anh Lô trưởng ban văn nghệ, anh Ngọc trưởng ban xã hội, còn một số bạn nữa lâu quá tôi đã quên tên. Công việc đầu tiên của tôi lúc đó là thu gom hết số vũ khí mà lính nhảy dù bỏ lại trong các lớp. Số vũ khí này khi gom hết lại, ban quân quản phường Hiền Vương phải chở mấy xa GMC mới hết.
Ban văn nghệ trường Lê Quý Đôn là một ban văn nghệ mạnh nhất thành phố lúc đó vì hầu hết các thành viên đều học tại trường quốc gia âm nhạc. Ban văn nghệ gồm: bộ phận ca khoảng 30 học sinh, bộ phận nhạc công gồm cả chục bạn trong đó tôi phân công cho Phương Dung (piano) và Tố Loan (Mandolin) trông coi còn bộ phận múa giao cho anh Lâm Thanh Hải là em ruột nhạc sĩ Thanh Trúc Phụ trách. Tôi rất thích anh này vì mặc dù là dân tham gia cách mạng nhưng anh không có cái tính hay lên lớp chính trị với người khác. Trong bộ phận múa lúc đó có anh Nghiêm Phú Phiệt con của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi (hiệu trưởng trường quốc gia âm nhạc). Ban văn nghệ trường có hình trong áp phích báo cáo 1 tháng thành tựu văn hóa xã hội của thành phố lúc đó.
Ngoài ra tôi cũng thành lập một tổ giữ xe lấy tiền cải thiện cho anh em vì trường thường được lấy làm địa điểm học tập cho các nơi. Một tháng sau đơn vị bộ đội rút ra trả lại trường, họ để lại bao nhiêu đồ đạc, bàn ghế  hư hỏng, 2 khu nhà cầu thì tràn ngập phân và giấy đi cầu. Mấy ông bà lao công phải một phen vất vả để dọn dẹp mọi thứ.
Rồi ngày thi đến, chúng tôi lớp 12B đi thi tại hội đồng thi trường Hùng Vương cạnh bệnh viện Hồng Bàng (Phạm Ngọc Thạch) và lấy kết quả tại ngôi trường tiểu học trên đường Phan Đình Phùng ( Nguyễn Đình Chiểu, quận 1). Chúng tôi đều đậu cả trên tay gọi là tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 lúc đó không gọi là bằng tú tài. Ngày chia tay tại nhà Phương Dung ở đường Pasteur rất nhiều lưu luyến. riếng tôi còn phải bận lo tốt nghiệp trường nhạc. Sau này tôi thường rủ anh Lô vào trường ở lại mỗi đêm để nhớ lại thời học trò của chúng tôi, chúng tôi mượn nồi của anh Tâm bảo vệ nấu cơm với ít rau lang hái ở sau trường. Tháng 11 năm 1977 tôi về Tiền Giang, thời gian tôi tiếp xúc với bạn bè càng ít vì chuyện đi lại thời gian này rất khó khăn. Dần dần các bạn của tôi ra đi hết. Năm 2000 tôi có về thăm lại trường, gặp lại anh Tâm. Năm 2006, tôi lại lần nữa ghé thăm và được biết anh Tâm chuân bị hưu, còn cô Yến đang ở trong trường chuẩn bị dọn đi vì khu cô ở sắp phá đi để xây dựng lại. Trong đêm đó tôi bước đi trong sân trường đến bên cạnh lớp học cũ nhìn lần cuối trước khi nó bị phá đi để xây dựng lại, nhớ lại những kỷ niệm về một quãng đời học sinh tươi đẹp của mình cũng như của các bạn bè tôi.

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...