Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

2. NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM GIÁO DỤC LÊ QUÝ ĐÔN

Hai năm khi trung tâm chính thức ra đời, nhà trường có quyết định cải tạo phòng tập thể dục có trước đó của trường J.J.Rousseau thành hội trường sinh hoạt trong đó có một sân khấu biểu diễn văn nghệ, các bàn ping pong, đánh vũ cầu. Trước đó tại nơi đâu trường có tổ chức thi bích báo các lớp rất nhộn nhịp.
Còn những hoạt động khác của trường thì trí nhớ của tôi giờ cũng phai mờ trất nhiều cho nên tôi dẫn dưới đây bài viết của thầy Nguyễn Tri Phương đăng trên trang web lequydonsaigon.net cho các bạn nắm:
Vài Nét Về Sinh Hoạt Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn
      Ba lần dự thi chương trình Đố Vui Để Học do Trung Tâm Học Liệu thuộc bộ Giáo Dục tổ chức trên đài truyền hình VN, đội Lê Quý Đôn đều toàn thắng cả ba. Trong các lần đó, phải kể công đóng góp rất hữu hiệu của Bá, Mạnh Tiến, Trường Sơn, Trí Lê, Hoàng Minh, Đức Nhân và Liên Hương. Ngoài phần thưởng toàn đội, Lê Quý Đôn còn đoạt luôn giải Cá Nhân Xuất Sắc. Kỳ thi đố vui lần cuối mà Liên Hương tham dự là niên khóa 1971- 1972 .
      Hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, hiệu đoàn TTGD Lê Quý Đôn đón Xuân bằng những sinh hoạt đa dạng như báo chí, văn nghệ thật rộn rịp. Với sự yểm trợ tài chánh của phụ huynh, giai phẩm Đặc San Xuân được ấn hành thật đẹp với nội dung phong phú, phát hành không phải chỉ trong nội bộ học sinh toàn trường mà còn được học sinh các trường bạn trong thủ đô ủng hộ hết sức nhiệt tình. Hội diễn văn nghệ mừng Xuân gồm nhiều tiết mục công phu, đầy tính chất nghệ thuật. Ban Đàn Dây Hoàng Lan của đài phát thanh Sàigòn, nữ ca sĩ Mai Hương, nghệ sĩ tài danh Thanh Nga, nữ nghệ sĩ BíchThuận . . . là những người đã từng yểm trợ trong phần hướng dẫn kỹ thuật. Đoàn văn nghệ Lê Quý Đôn đã ba lần trình diễn trên đài Truyền Hình Việt Nam qua chương trình văn nghệ Tiếng Nói Động Viên mừng Xuân.
      Về mặt rèn luyện thân thể, trường có hai sân quần vợt, hai sân vũ cầu, sân bóng chuyền, bóng rổ, thể dục môn. Các đội thể thao gồm: hai đội bóng bàn nam nữ, hai đội vũ cầu, đội điền kinh, bóng chuyền, bơi lội và ba đội bóng rổ hai nam một nữ. Ngoài các trận đấu giao hữu, TTGD Lê Quý Đôn còn tham dự các giải vô địch học sinh và đã đoạt nhiều phần thưởng thật xứng đáng. Chỉ tính nội niên khóa 1874-75, Lê Quý Đôn đã thu hoạch được những thành quả thật khả quan như sau:
·         Vô địch học sinh giải Bóng Bàn Thiếu Niên do Nha Sinh Hoạt Học Đường tổ chức với đấu thủ Phan Huy Hoàng .
·         Vô địch học sinh Bóng Bàn Nữ Liên Trường với đấu thủ Phạm thị Minh Hà và giải Nhì Toàn Đội Nữ
·         Giải Nhì Bóng Bàn Toàn Đội Nữ do Tổng Nha Thanh Niên tổ chức
·         Vô địch học sinh bóng rổ nữ nhân ngày Phụ Nữ lễ kỹ niệm Hai Bà Trưng
·         Đoàn diễn hành Lê Quý Đôn đoạt giải nhứt trong cuộc thi diễn hành kỹ niệm ngày Quốc Khánh tại vận động trường Cộng Hòa.
·         Đoàn bơi lội Lê Quý Đôn với các danh tài Chung thị Thanh Lan, Chung thị Thanh Vân, Lê Trọng Thùy Nam, Lê Trọng Thùy Đan chiếm hầu hết tất cả các huy chương vàng trong lần so tài tại hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm do Tổng Cuộc Bơi Lội tổ chức nhân dịp lễ Quốc Khánh. Ngày phát giải thưởng tại vận động trường Cộng Hòa là một niềm hảnh diện khó quên. Các tuyển thủ Lê Quý Đôn thay đổi chổ cho nhau trên ba bục Nhất, Nhì, Ba tiếp nhận huy chương từng đợt cho nhiều giải: Vô địch toàn đội, vô địch các kiểu bơi, và vô địch các cự ly . Ngày hôm ấy, trên hai mươi ngàn quan khách các ban ngành đoàn thể đã vổ tay hoan hô đoàn bơi lội Lê Quý Đôn từng chập, rồi hứng khởi quá, Ông Đô Trưởng, Ông Tổng Giám Đốc Thanh Niên, ông Trưởng Trưởng Giáo Dục đứng lên cùng mọi người cổ vỏ hoan hô kéo dài suốt gần nửa giờ cho thành tích kỷ lục nầy. Sau lần đó, hội Phụ Huynh Lê Quý Đôn đồng ý lời đề nghị của Hiệu Đoàn Trưởng, yểm trợ kỹ thuậy cũng như kinh phí tài chánh để xây cho trường một hồ bơi nổi.
Thầy Nguyễn Tri Phương - 1986
Khi làm giáo sư hướng dẫn cho lớp tôi, thầy Trần Anh Linh có đề xuất với chúng tôi là thầy sẽ thành lập thiếu đoàn Lê Quý Đôn thuộc đạo Thủ đô, châu Gia định. Chúng tôi đều đồng ý với thầy thế là thiếu đoàn Lê Quý Đôn ra đời gồm có khoảng 3, 4 đội (không còn nhớ rõ). Đội của tôi lớp 9B là đội Mãnh hổ , anh Lê Phong Sơn đội trưởng và tôi làm đội phó. Khoảng mấy tháng sau chúng tôi tham dự trại Suối tiên. Tôi còn nhớ có các đội bạn từ phillipine, Thái lan, Cambốt, Đài loan,… qua tham dự, còn hậu cần nước do quân đội Mỹ đảm trách.
Cuộc đời làm hướng đạo sinh lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm, các vùng đất như: Tam Hà. Dòng Salésien, dòng Don Bosco, Lái Thiêu, núi Châu Thới, Vũng Tàu, Vĩnh Long. Lasan Mai Thôn đều có bước chân của tôi.
Đến năm 1973, thầy Linh có lẽ vì mâu thuẩn với trường, đã không còn ở trường nữa. Về thay thế cho thầy với vai trò là đoàn trưởng là Anh Cao Thái Hà. Lúc đó đang là thầy 6 ở chủng viện thánh Giuse. Thiếu đoàn duy trì hoạt động đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì giải tán.
Sau ngày 30 tháng 4 tôi có đi ngang qua trụ sở hội hướng đạo ở đường Bùi Chu thấy người ta đang dọn dẹp các hồ sơ. Tôi cảm thấy tiếc cho một phong trào. Suốt hơn 30 năm sau đó có đêm tôi nằm mơ thấy mình đang dự các buổi cắm trại của hướng đạo. Niềm ao ước phong trào sẽ hồi sinh lại cứ thôi thúc trong tôi như lần gặp lại anh Cao Thái Hà ở nhà thờ Tân Định năm 1978, anh củng có ước mơ giống như tôi. Sau nầy nhân lúc vào trang web tôi mới biết phong trào đã nhen nhúm thành lập lại ở Sài Gòn và một số tỉnh, tôi rất mừng là mong ước của tôi đã thành hiện thực.
Tiện đây tôi cũng nói thêm Chung thị Thanh Lan sau ngày 30 tháng 4 vẫn giử chức vô địch bơi lội ở Sài Gòn. Còn anh Nhân học lớp 10 và một số bạn nữa đã có công trình thiết kế nhà đồng bằng sông Cửu Long đạt giải lớn của thành phố.
Ngoài ra trường còn tổ chức cho học sinh đi ủy lạo cây mùa xuân chiến sĩ ở bệnh viện Cộng Hòa, đi tham quan công ty Thành Lễ ở Bình Dương, đi dã ngoại tại Long Hải.
Năm 1974, hiệu trưởng Hồ Văn Thể bị thuyên chuyển do dính líu tới bê bối. Vi hiệu trưỡng mới là thầy Nguyễn Trung Ngươn về.
Năm 1978 xảy ra vụ nạn kiều, một số người Hoa chạy sang Trung quốc trong đó có anh Đặng Ngọc Hân (Tăng Dục Hính) học sinh lớp 10 bấy giờ. Sau anh này có lên đài truyền hình tố cáo Trung quốc.
Ngoài ra còn một vài chuyện đáng lý tôi không đề cập ở đây nhưng vì đã xảy ra lâu rồi nên sẳn đây tôi cũng nói luôn.
Chuyện Anh Lương Bá Cần, anh này học đến lớp 10 thì nghỉ sang trường khác. Anh này dính tới một vụ buôn lậu ở Tân Sơn Nhất, là một trong 3 tay buôn lậu lớn nhất thời đó, tin này được đang trên báo Công an thành phố.
Chuyện anh Vĩnh Sa Kima, học sinh trường chúng ta. Anh này  với vợ cùng nhau gian lận giấy tờ chiếm đoạt mấy trăm triệu đồng lúc khoảng năm 1986, 1987 gì đó và bị bắt tại Đà Lạt. Tin này cũng do báo Công an thành phố đăng.




Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

KÝ ỨC CÒN LẠI

          Khi tôi viết những dòng này thì 36 năm đã trôi qua, nhìn lại tóc đã bạc nhưng bạn học cũ thì vẫn biền biệt để gởi một lời thăm hỏi. Sau cái ngày định mệnh đó, các bạn trong lớp 12B và tôi rời trường. Tôi vẫn còn nhớ cái không khí cuối cùng ấy tại nhà của cô bạn Phương Dung học sau tôi 4 lớp tại đường Pasteur. Lúc đó tôi có ý định không theo học ở trường nhạc nữa nhưng các bạn tôi khuyên: “ Mầy đã có trường chuyên môn để học rồi thì đừng bỏ chứ tụi tao chẳng biết còn được tiếp tục đi học nữa không?”. Thế rồi tôi nghe theo lời bạn tiếp tục đi học và tốt nghiệp ra trường năm 1977 và về Tiền Giang tới giờ.         
Rồi thời gian dần trôi qua, các bạn học của tôi lần lượt bỏ xứ mà đi, tôi lần lượt mất đi các bạn. Tôi nhớ có lần tôi ghé nhà Mai Hương trong đêm giao thừa, cũng là lúc Mai Hương chuẩn bị rời Việt Nam, tôi buồn lắm nhưng cũng chẳng biết nói lời gì cả; rồi lần lượt đến anh Đỗ Mạc Lô cũng ra đi. Nhiều lúc tôi về Sài Gòn, tôi đi suốt đêm ngoài đường vì hầu như không còn bạn bè nào nữa, họ đã đi hết rồi. Như vậy cuối cùng tôi còn 3 người bạn học chung lớp còn lại ờ Việt Nam là anh Hồ Tuấn Ngọc ở Cần Thơ, anh Lê Quang Minh và anh Quan ở Sài Gòn. Anh Ngọc thì mất năm 1995 vì bệnh gan, anh Quan thì biệt tích không biết giờ này anh ở đâu làm gì còn anh Minh thì bị tai biến năm 2007 vì chuyện buồn gia đình. Sở dĩ tôi phải dài dòng là vì tôi muốn giới thiệu sơ lược về lớp tôi và bản thân tôi, sau đây tôi sẽ kể cho các bạn về ngôi trường của chúng ta mà những gì ký ức của tôi còn nhớ được.

1.NHỮNG LỚP “PILOTE” VÀ SỰ RA ĐỜI TRUNG TÂM GIÁO DỤC LÊ QUÝ ĐÔN
Tôi mới đầu học ở trường Lamartine (cạnh hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước mặt sở thú) đến cuối năm 1963 khi cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, trường bị hư hại hoàn toàn do nằm cạnh thành Cộng Hòa. Tụi tôi được chuyển sang trường Saint ex, rồi Collette và Marie Curie để học tạm. Đến năm 1966, tôi được chuyển qua J.J.Rousseau vào lớp 8­e C. Năm 1967 chính quyền Pháp dưới thời De Gaulle quay sang ủng hộ Hà Nội, lên án Mỹ và rút khỏi khối Nato đã tạo ra cuộc biểu tình chống Pháp tại Việt Nam dưới cái tên là “A bat De Gaulle”. Việc biểu tình này đã khiến cho Pháp buộc phải trả lại cho chính phủ sài Gòn trường J.J.Rousseau và Hồng Bàng, thế là các học sinh trung học thì được chuyển sang trường Marie Curie còn các học sinh tiểu học thì ở lại chuyển sang chương trình Việt. Và các lớp học đó được gọi là lớp “Pilote”, hồi đó tụi tôi gọi đùa là lớp dạy phi công vì chữ pilote có nghĩa đen là phi công nhưng thực tế là lớp chuyển tiếp.
Đến năm 1967, trường chính thức mang tên Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn nhưng phải đợi đến năm 1969 mới làm lễ chính thức. Vị hiệu trưởng là ông Phan Văn Huấn nguyên là hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho đặc cách về. Ông Huấn người da ngăm đen, tướng thấp đi xe Mobylette màu vàng 2 gọng. Trường trở thành thí điểm của Bộ Giáo dục và Thanh niên thực hiện chương trình giáo dục tổng hợp nghĩa là ngoài các môn đã dạy ở bậc trung học, chúng tôi còn phải học các môn như: Doanh thương, Vẽ kỹ nghệ họa, thuyết trình trước đám đông, đánh máy, điện gia dụng, âm nhạc, hội họa, nữ thì học thêm môn nữ công gia chánh. Riêng hai môn Sử và Địa được gộp chung tên là Kiến thức tổng hợp. Thời gian học thì nghỉ 2 buổi nghỉ ngày thứ năm và chủ nhật. Chương trình thực hiện được 2 năm thì đình chỉ vì không có ngân sách để trang bị và xây dựng nên quay trở lại chương trình bình thường. Trường Lê Quý Đôn tự dưng vươn lên thành ngôi trường số một của Sài Gòn hơn hẳn trường Petrus Ký. Trường trở thành nơi các COCC học nhiều nhất, tôi bây giờ chỉ còn nhớ một số như: Nguyễn Cao Thắng, Nguyễn Cao Trí con của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Khắc Dũng, Nguyễn Thiên Hương con của tư lệnh CSQG Nguyễn Khắc Bình, Lữ Thị Anh Thư con tướng Lữ Lan, Nguyễn Bá Long cháu chủ tịch thượng viện Nguyễn Bá Cẩn, con của Phạm Sanh chủ tịch ngân hàng Nam Việt, con của thứ trưởng giáo dục, ngoài ra con các sĩ quan, viên chức khác thì vô số.
Thời gian sau thì ông Hồ Văn Thể về làm hiệu trưởng, ông này có con là Hồ văn Bạch cũng học tại trường chung lớp với tôi. Đây cũng là thời gian xảy ra vụ lùm xùm giữa cô Hồ Ngọc Tùng với ông Hồ Văn Thể được báo lá cải Trắng đen đang gần cả tháng.

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...